• Zalo

Trung Quốc lo sợ gì khi Hàn Quốc lắp hệ thống phòng thủ tên lửa?

Thế giớiChủ Nhật, 14/02/2016 08:24:00 +07:00Google News

Để chặn những tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc đàm phán với Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Để chặn những tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc đàm phán với Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Bắc Kinh hôm qua chỉ trích Hàn Quốc tái khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ có khả năng bắn tên lửa đạn đạo.

Về lý thuyết, Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ chế tạo sẽ giúp Hàn Quốc chặn những tên lửa từ Triều Tiên. Trong bối cảnh Trung Quốc chỉ trích vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với việc Hàn Quốc muốn lắp THAAD có vẻ không phù hợp, South China Morning Post nhận định.
Từ năm 2005 tới nay, THAAD chưa bắn trượt mục tiêu nào. Hiện tại nó là một trong những hệ thống phòng thủ chính xác nhất thế giới. Ảnh: MDA
Từ năm 2005 tới nay, THAAD chưa bắn trượt mục tiêu nào. Hiện tại nó là một trong những hệ thống phòng thủ chính xác nhất thế giới. Ảnh: MDA 
Tập đoàn quân sự Lockheed Martin ở Mỹ thiết kế THAAD nhằm tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Chúng cũng có khả năng hạn chế trong việc chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe mang ống phóng tên lửa (8 ống mỗi xe), radar tìm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2, một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật.

Giới quan sát quân sự Trung Quốc nhận định phản ứng của Bắc Kinh phản ánh mối quan ngại đối với khả năng Seoul có thể sử dụng THAAD để theo dõi mọi hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên Eo biển Đài Loan và Biển Đông một cách dễ dàng hơn.

Nhờ hệ thống radar có thể quét khu vực có bán kính tới 4.000 km, sự tồn tại của một hệ thống THAAD tại Hàn Quốc có thể đe dọa Vùng Nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thành lập.

Chính phủ Hàn Quốc quyết định tái khởi động các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ về THAAD sau khi Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo vào sáng 7/2 theo giờ địa phương. Vụ phóng khiến căng thẳng trong khu vực tăng và cho thấy hiểm họa an ninh từ nước láng giềng khó lường của Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lo ngại sâu sắc về quyết định của Hàn Quốc, cho rằng THAAD có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao, đã bày tỏ quan điểm của Bắc Kinh đối với ông Kim Jang Soo, Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc.

Yue Gang, một đại tá PLA đã về hưu, nói rằng mối quan ngại hàng đầu của Bắc Kinh là THAAD có thể tăng cường quan hệ quân sự giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

“Sau khi THAAD xuất hiện ở Hàn Quốc, bước tiếp theo là kết nối nó với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản. Việc kết nối ấy sẽ mở màn cho việc Hàn Quốc thành lập liên minh quân sự với Nhật Bản và Mỹ, giống như một NATO thu nhỏ. Đương nhiên Trung Quốc không muốn một liên minh quân sự như thế ra đời, bởi khi đó mối đe dọa sẽ lớn hơn nhiều so với một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Giờ đây vấn đề không phải là Hàn Quốc sẽ triển khai THAAD hay không, mà là họ sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai tới mức nào”, Yue lập luận.

Theo Yue, tác dụng chính của THAAD là thay đổi cán cân an ninh chiến lược ở Đông Á, làm giảm ưu thế quân sự của Trung Quốc. Sau khi Hàn Quốc có THAAD, tình hình sẽ trở nên có lợi cho Mỹ. Ông cảnh báo rằng, nếu xung đột bùng nổ, Trung Quốc và Nga sẽ buộc phải tấn công THAAD bằng tên lửa đạn đạo hoặc thậm chí đầu đạn hạt nhân.

“Khi đó Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt vì để một mối đe dọa an ninh hiện diện trên lãnh thổ của họ”, Yue nói.

Song giới quan sát quân sự cũng cảnh báo rằng THAAD có thể khiến Trung Quốc và Nga chế tạo thêm tên lửa đạn đạo, đồng thời tung thêm tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân ra biển để đối phó.

Xu Guangyu, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Trung Quốc, nhận định Hàn Quốc chỉ muốn lắp đặt THAAD để đối phó Trung Quốc và Nga, thay đổi cán cân an ninh chiến lược ở Đông Á thay vì đề phòng tên lửa từ Triều Tiên.

“Radar băng tần X của THAAD có khả năng theo dõi khu vực có bán kính 3.000-4.000 km, nghĩa là Hàn Quốc có thể giám sát cả Trung Quốc và Nga. Với radar ấy, Seoul có thể phát hiện mọi cuộc tập trận trên bộ và trên không, xác định tần suất và số lượng của các chuyến bay, biết vị trí của mọi phi trường quân sự”, Xu giải thích.

Ni Lexiong, một chuyên gia phân tích quân sự tại Thượng Hải, nói rằng radar mạnh của THAAD có thể giúp Hàn Quốc theo dõi hoạt động của PLA trên Biển Đông và biển Hoa Đông, song Seoul còn có mục đích nữa khi đàm phán với Washington về việc lắp THAAD.

“Hàn Quốc muốn Trung Quốc tăng cường những biện pháp trừng phạt Triều Tiên và buộc Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân”, Ni phát biểu.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn