(VTC News) - Truyền thông Trung Quốc loan tin tàu Đông Phương Hồng 2 với lượng giãn nước 3.000 tấn sẽ ‘khảo sát khoa học’ ở Biển Đông trong hai tháng.
Bản tin của Tân Hoa Xã trắng trợn nói Nam Hải (Biển Đông) là ‘biển có độ sâu và lớn nhất của Trung Quốc’, bất chấp thực tế ‘đường lưỡi bò’ mà nước này đơn phương đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông chưa hề được nước nào công nhận.
Tàu Đông Phương Hồng 2 của Trung Quốc |
Theo số liệu của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, Biển Đông có tổng diện tích 35.6 triệu km2, độ sâu lớn nhất đo được là 5.567m.
Việc ‘nghiên cứu khoa học’ ở Biển Đông được nói là đã khởi động từ năm 2011 với kế hoạch kéo dài 8 năm, đầu tư 1.9 tỷ NDT, bao gồm khảo sát đáy biển, hải lưu, động thực vật, khoáng sản.
Kế hoạch của Trung Quốc là ít nhất cử 50 đội khảo sát khoa học khác nhau ra Biển Đông nghiên cứu. Tàu Đông Phương Hồng 2 mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông lần này khởi hành từ ngày 10/5, dự kiến tàu sẽ ‘khảo sát khoa học’ trên biển hai tháng với 70 nhà khoa học trên tàu. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không tiết lộ tọa độ cụ thể của tàu Đông Phương Hồng 2.
Trên con tàu hạ thủy từ năm 1996 có 15 phòng thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu thành phần hóa học, sinh vật học v.v. của biển.
Hồi đầu tháng 5, Trung Quốc cũng loan báo nước này sẽ đưa giàn khoan nước sâu mang tên Hưng Vượng hạ đặt ở Biển Đông, nhưng không công bố tọa độ cụ thể.
Theo Tân Hoa Xã, giàn khoan này có thiết kế nửa chìm nửa nổi, hệ thống động lực cho phép giàn khoan chịu được gió bão cấp 12, điều mà giàn khoan Hải Dương 981 không thể làm được.
Video: Sự thật Biển Đông - Nguồn: VTC1
Giàn khoan Hưng Vượng do Tập đoàn Yên Đài sản xuất, hoạt động được ở vùng nước sâu tối đa 1.500m. Độ sâu tối đa mũi khoan là 7.600m với tối đa 130 nhân viên chịu trách nhiệm vận hành giàn khoan.
Tân Hoa Xã cũng nói giàn khoan Hưng Vượng đạt tiêu chuẩn của nước này và cả Na Uy, điều đó có nghĩa là trừ vùng nước đóng băng, giàn khoan có thể hoạt động ở bất cứ vùng biển nào.
Giàn khoan Hưng Vượng được cho là đã “trải qua hơn 1.050 ngày, 46.696 lần thử nghiệm”. Từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã nhận được tổng cộng 9 giàn khoan loại nửa chìm nửa nổi. Số giàn khoan này được bố trí ở Biển Đông, Bắc Hải, Bột Hải, Tây Phi và Nam Phi.
Trung Quốc cũng đang cho đóng mới 5 giàn khoan nước sâu, dự kiến số giàn khoan này sẽ còn có quy mô lớn hơn giàn khoan Hải Dương 981.
Văn Việt (Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận