Kể từ đầu tháng 6, mực nước trên 433 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức cảnh báo, trong đó 33 con sông ghi nhận mực nước cao kỷ lục.
Tính tới giữa tháng 7, mưa lũ ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 38 triệu người ở 27 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc, khiến 141 người chết và mất tích. Con số này được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Hôm 9/7, Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết, khoảng 1,72 triệu người đã được di dời, 22.000 ngôi nhà bị sập, 209.000 ha hoa màu bị tàn phá, thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 11,75 tỷ USD.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc thường xuyên phải hứng chịu các đợt lũ lụt nghiêm trọng.
Trong số 10 trận lũ lớn nhất khắp thế giới trong suốt 100 năm qua, có tới 7 trận lũ xảy ra ở Trung Quốc, trong đó có 5 trận lũ ở sông Dương Tử vào các năm 1911, 1931, 1935, 1954, 1998 và 2 trận lũ ở sông Hoàng Hà vào các năm 1887 và 1938.
Trên thực tế, trận lụt nghiêm trọng nhất trên thế giới xảy ra ở sông Dương Tử và sông Hoài vào năm 1931. Các khu vực bị ảnh hưởng từ thảm họa này tương đương với diện tích của cả nước Anh và nửa Scotland gộp lại. Hơn 2 triệu người thiệt mạng, nhiều người còn sống phải đương đầu với bệnh tật và thiếu ăn. Ước tính 40% dân số bị ảnh hưởng phải rời bỏ nhà cửa.
Thời kỳ nguy hiểm vẫn đang ở phía trước
Tác động của đợt lũ đã và đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy hậu quả khủng khiếp mà nó đem lại.
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, 4 thành phố: Kinh Châu, Hàm Ninh ở tỉnh Hồ Bắc, Nam Xương và Thượng Hải ở tỉnh Giang Tây phải ban bố cảnh báo ở mức cao nhất. Chỉ tính riêng Giang Tây, 5,5 triệu người bị ảnh hưởng, gần 500.000 người phải sơ tán từ 13/7.
Những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ lụt tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Trận lụt hiện tại đang gần đạt tới quy mô của trận lụt lịch sử ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử vào năm 1998, kéo dài từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 9. Trận lụt cách đây hơn 20 năm ảnh hưởng tới hơn 180 triệu người và làm hư hại 13 triệu ngôi nhà.
Hôm 13/7, mực nước Hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc tăng 22,6 m vào ngày 13/7, mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc cho biết 500 di tích văn hóa, bao gồm cầu cổ, tường thành và các tòa nhà lịch sử ở 11 tỉnh phải chịu các mức độ thiệt hại khác nhau.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, Trung Quốc đổ không ít tiền cho công tác theo dõi các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cũng như sử dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo mưa lũ.
Tuy nhiên, khó khăn của Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới là làm thế nào để xác định cường độ và thời gian diễn ra các trận lũ lụt cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.
Các chuyên gia tin rằng đây là thời điểm các thành phố lớn ở Trung Quốc nên bắt đầu kế hoạch bảo vệ dân số khỏi các trận lũ lớn có thể xảy ra trong thập kỷ tới.
Bình luận