Bloomberg hôm nay (8/6) đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch thiết kế và xây dựng trái phép một trung tâm nghiên cứu ngầm trong lòng Biển Đông nhằm khai thác khoáng sản, hơn nữa có thể để phục vụ mục đích quân sự trong vùng biển tranh chấp này.
Theo bài diễn thuyết của Bộ Khoa học Trung Quốc, “trạm không gian” đại dương này dự tính nằm ở độ sâu 3.000 mét so với mực nước biển. Dự án được đề cập đến trong Kế hoạch kinh tế 5 năm hiện nay của Trung Quốc công bố vào tháng 3/2016 và xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách 100 công trình khoa học, công nghệ ưu tiên hàng đầu.
Giới chức Trung Quốc đã thông qua và quyết định đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án này.
Cho đến nay, có rất ít thông tin chi tiết, bao gồm cả thời gian, bản thiết kế hay dự toán chi phí, thậm chí cả địa điểm sẽ triển khai căn cứ ngầm của Bắc Kinh.
Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược Washington nhận định với Bloomberg rằng: "Chưa từng có cơ sở nào đặt mục tiêu ở độ sâu như vậy, nhưng không có nghĩa là không thể. Nhiều tàu ngầm có người lái đã hoạt động ở độ sâu này gần 50 năm qua".
Hồi tháng trước, tại Hội nghị Khoa học quốc gia, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: “Biển sâu luôn là một kho báu quý giá chưa được khám phá và phát triển hết mức. Để có thể sở hữu những báu vật này, chúng ta phải kiểm soát công nghệ trong việc đưa tàu ngầm xuống đáy biển, khám phá cũng như phát triển các vùng biển sâu”.
Trong khi Trung Quốc ngày càng tỏ rõ sự thèm khát với nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn các yếu tố khác tại Biển Đông, dự án mới được trình bày gần đây cho thấy “căn cứ ngầm” này có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự. Bắc Kinh cũng đã từng đề xuất mạng lưới cảm biến có tên gọi “Dự án Vạn lí trường thành dưới nước” nhằm phát hiện tàu ngầm Hoa Kỳ và Nga.
Phát biểu về dự án này, ông Xu Liping – nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề Đông Nam Á tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Phát triển tiềm năng đại dương là một chiến lược quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc, song “trạm không gian đại dương" không có ý đồ chống lại bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Dự án này của Trung Quốc sẽ được sử dụng chủ yếu trong vấn đề dân sự, nhưng vẫn không thể loại trừ rằng khả năng thực hiện một số chức năng quân sự của nó”.
Theo Bloomberg, kế hoạch sẽ được tiến hành trong vòng một thập kỷ và là động thực thúc đẩy Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu vào năm 2030. Đơn vị sẽ thi hành dự án này là Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Dự kiến, khi đưa vào hoạt động, “căn cứ ngầm” có khả năng chửa hàng chục thuyền viên làm việc dưới nước trong vòng 1 tháng.
Clip: Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy hạt nhân, mưu đồ trên Biển Đông
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Bình luận