Tại cuộc họp báo hôm 29/3, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc Xu Guixiang cảnh báo các công ty đa quốc gia cần hiểu việc “tung đòn trừng phạt lớn” đối với Tân Cương sẽ gây tổn hại cho chính họ, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp không nên “chính trị hóa hoạt động kinh tế”.
“Trung Quốc hiện nay đã không còn là Trung Quốc của năm 1840, kỷ nguyên người Trung Quốc phải chịu đựng sự bá chủ và chèn ép của cường quốc sẽ không bao giờ trở lại”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Xu.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin về cuộc họp báo, đại diện của Tân Cương được mời đến để “dùng sự thật đáp trả những lời thêu dệt dối trá và cáo buộc vô lý từ phương Tây”. Giới chức Tân Cương khẳng định không hề có tình trạng cưỡng bức lao động và tội ác “diệt chủng” như cáo buộc của phương Tây.
Tân Cương từ lâu vẫn là vấn đề nhạy cảm chính trị. Chính quyền Washington cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở khu vực này và trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan. Để đáp trả, phía Bắc Kinh cũng đưa ra các lệnh trừng phạt với nhiều cá nhân Mỹ. Trung Quốc khẳng định các cáo buộc của Mỹ và phương Tây là dối trá và có thể làm suy yếu an ninh, ổn định trong khu vực.
Cuối năm ngoái, nhiều hãng thời trang đa quốc gia tại Trung Quốc như H&M, Nike, Adidas, Burberry, New Balance và Zara, tuyên bố không sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương. Trung Quốc đang kêu gọi người dân tẩy chay những thương hiệu này. Hàng chục ngôi sao Trung Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi. Theo tờ Bloomberg, ít nhất 6 đại lý của H&M tại các thành phố Urumqi, Yinchuan, Changchun và Lianyungang đã bị đóng cửa.
Hiện ngành công nghiệp sản xuất bông của Tân Cương đóng góp tới 87% tổng sản lượng bông của Trung Quốc và 1/5 của thế giới. Tờ Xinhua nói rằng việc tẩy chay bông Tân Cương sẽ cướp đi việc làm của hàng triệu người dân.
Hôm 29/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết Liên hợp quốc đang đàm phán với chính quyền Bắc Kinh để thực hiện khảo sát ở Tân Cương nhằm tìm hiểu thực hư chuyện vi phạm nhân quyền với người thiểu số ở khu vực này.
Bình luận