• Zalo

Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng và trứng cút, loại nào bổ nhất?

Dinh dưỡngChủ Nhật, 27/10/2024 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng và trứng cút, loại nào bổ nhất, hãy cùng xem giải đáp trong bài viết dưới đây.

Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng và trứng cút, loại nào bổ nhất?

Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trứng giàu dinh dưỡng như betaine và choline rất tốt cho tim mạch, phát triển trí não. Trứng cũng chứa nhiều vitamin D, giúp ngăn ngừa loãng xương và bệnh còi xương. Ngoài ra, tỷ lệ chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp với những người có chế độ ăn kiêng.

Tuy nhiên, xét về dinh dưỡng, mỗi loại trứng đều có tác dụng riêng với sức khỏe.

Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng và trứng cút, loại nào bổ nhất?

Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng và trứng cút, loại nào bổ nhất?

Trứng gà

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng và còn được gọi là “siêu thực phẩm”. Trong mỗi quả trứng gà có nhiều dưỡng chất như protein, chất béo lành mạnh, calo, folate, vitamin A, vitamin B2, B5, B6, B12, vitamin D, vitamin K, phốt pho, selen, canxi, kẽm và nhiều chất dinh dưỡng khác.

- Tốt cho sức khỏe đôi mắt: Trong trứng gà chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, chẳng hạn như zeaxanthin và lutein có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, lượng vitamin A trong trứng cũng rất quan trọng, góp phần phòng tránh các bệnh về mắt.

- Giúp xương chắc, tóc khỏe: Khi ăn trứng gà, cơ thể sẽ được bổ sung vitamin D. Nhờ vitamin D mà khả năng hấp thụ canxi của cơ thể sẽ tốt hơn. Từ đó, giúp phòng tránh loãng xương và giúp tóc và móng thêm chắc khỏe. Bên cạnh đó, các axit amin và các khoáng chất khác trong trứng cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ mất cân bằng sinh hóa cơ thể và giúp bạn có mái tóc khỏe đẹp hơn.

- Rất tốt cho não bộ: Trong trứng gà chứa choline – đây là dưỡng chất quan trọng tương tự với vitamin B. Choline đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành màng tế bào, đồng thời sản sinh những phân tử tín hiệu của não. Cơ thể bị thiếu choline có thể phải đối mặt với những vấn đề như giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh.

- Không ảnh hưởng xấu tới cholesterol: Trứng chứa nhiều cholesterol nhưng ít có nguy cơ làm tăng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, trong một nhóm đối tượng thì trứng có thể khiến cholesterol toàn phần và cholesterol xấu tăng nhẹ.

- Tăng hàm lượng cholesterol tốt, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác.

- Cung cấp axit béo omega 3, giảm triglycerid: Khi ăn trứng, bạn có thể bổ sung cho cơ thể một số thực phẩm giàu omega-3 và giúp giảm triglyceride trong máu. Từ đó giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch.

- Trứng giúp giảm cân: Trong một quả trứng chứa gần như đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Chính vì thế, khi ăn trứng bạn có cảm giác no lâu hơn. Do đó, đây là thực phẩm thường được bổ sung trong chế độ ăn kiêng, giảm cân của rất nhiều người.

Trứng vịt

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp omega-3 nhiều hơn, chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Vỏ trứng vịt thường cứng hơn nên lưu giữ được lâu hơn.

Hầu hết chất dinh dưỡng đều tập trung ở lòng đỏ.

Trứng ngỗng

Trứng ngỗng kích thước lớn gấp trứng gà khoảng 3 lần. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng trứng ngỗng to nên bổ hơn các loại trứng khác nhưng kì thực thành phần chất dinh dưỡng trong trứng ngỗng cũng tương tự như trứng gà. Bên cạnh đó, cũng có một số chất trong trứng ngỗng nhiều hơn trứng gà, đơn giản chỉ vì kích cỡ của chúng lớn hơn.

Thậm chí, trứng ngỗng còn có hàm lượng cholesterol gây hại cho tim mạch cao hơn. Một quả trứng gà lớn chứa 186mg cholesterol trong khi một quả trứng ngỗng thường chứa 1227mg cholesterol. Vì vậy, nếu bạn có hàm lượng cholesterol cao thì tốt nhất không nên ăn trứng ngỗng.

Trứng cút

Trang Tri Thức trẻ dẫn nguồn chuyên trang sức khoẻ Health cho biết, mặc dù có kích thước khiêm tốn (nhỏ nhất trong các loại trứng) nhưng giá trị dinh dưỡng trong trứng cút còn cao gấp 4 lần so với trứng gà. Thường thì một quả trứng cút chỉ nặng khoảng 8,5g và chứa 14kcal; 1,2g protein. Bên cạnh đó, trong trứng cút còn chứa những loại amino axit, khoáng chất, vitamin gần giống như trứng gà và trứng vịt.

Đặc biệt, trứng cút còn có cả choline và vitamin D, hai dưỡng chất này rất tốt cho trí não của trẻ, giúp dẫn truyền thần kinh, tăng cường khả năng ghi nhớ và tiếp nhận thông tin. Trứng cút còn có tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch, thị lực ở trẻ nhỏ. Hơn nữa, so với trứng gà, trứng cút cũng ít gây dị ứng hơn nên thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi dùng.

Ngoài ra, trứng cút có thể dưỡng nhan sắc, giải đờm, dưỡng phổi, có tác dụng phòng bệnh đột quỵ ở người cao tuổi. Theo quan niệm của người Nhật Bản trứng chim cút quý như nhân sâm, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phổi, hen, tim và suy nhược thần kinh.

Tuy nhiên, do trứng cút chứa hàm lượng cholesterol cao nên những người bị mỡ máu cao dù không phải là không thể ăn nhưng cũng nên ăn một cách hạn chế, có liều lượng nhất định để tránh làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Tóm lại: Trẻ nhỏ nên ăn nhiều trứng cút, người lao động nặng nhọc nên ăn trứng vịt, người bị tim mạch hay cao huyết áp cần ăn trứng gà.

Không nên ăn quá nhiều trứng trong ngày. Không ăn trứng sống. Không ăn trứng khi bị tiêu chảy.

Trường hợp đặc biệt không ăn được trứng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Hạ An(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn