• Zalo

Trứng gà: Những công dụng chưa được biết đến

Gia đìnhThứ Năm, 20/02/2014 11:27:00 +07:00Google News

Trứng gà là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên của mọi người, mọi gia đình.


 Không chỉ là thực phẩm ngon, trong trứng gà có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, trứng gà còn có nhiều công dụng tuyệt vời có thể bạn chưa biết.


Trứng gà có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ được chất trong dinh dưỡng trong trứng và ăn bao nhiêu là vừa?

Trứng gà: Những công dụng chưa được biết đến

 


Công dụng của trứng gà

Lương y Nguyễn Công Đức cho biết, trứng gà hay trứng vịt đều là những món ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, trứng gà vượt trội về mặt dinh dưỡng hơn trứng vịt. Tác dụng này càng có hiệu ứng cao trong trứng gà so đẻ lứa đầu, trứng nhỏ và người sử dụng thường xuyên đúng cách.

Trong trứng gà có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12,… Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, mangiê, sắt và kẽm. Cụ thể, thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gồm có 71 đơn vị calo, không có tinh bột, 5g chất béo.

Ngoài ra, nguồn protein trong trứng rất dồi dào và các loại axit rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Riêng lòng trắng trứng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai cho cơ bắp.

Chất lecithin trong trứng có tác dụng trong quá trình tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của gan, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch do cholesterol gây ra.

Vitamin D là vi chất thiết yếu để con người tiêu thụ canxi và duy trì sức khỏe cho xương. Do vậy, có thể nói trứng cùng các sản phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương.

Mặc khác trứng còn có tác dụng cải thiện sức khỏe cho tóc và móng vì trứng rất giàu chất sunfur, các vitamin, khoáng chất.

Đối với người hoạt động tri óc thì trứng là một loại thực phẩm tuyệt vời bởi vì trong lòng đỏ trứng cũng rất giàu axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ. Vì vậy, ăn trứng giúp tăng cường trí nhớ, rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, nhất là sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.

Trứng gà: Những công dụng chưa được biết đến

Cách ăn trứng để không mất chất dinh dưỡng 


Từ trứng có thế chế biến được nhiều món ăn, nhưng thường thì mọi người hay chiên hoặc luộc. Trong thực tế, có nhiều quan niệm rằng hấp trứng gà sống hoặc ăn trứng chần qua nước sôi sẽ rất bổ dưỡng. Nhưng những các nghiên cứu gần đây cho rằng, ăn trứng gà chưa được nấu chín sẽ rất có hại cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trên bề mặt trứng có những lỗ nhỏ li ti, vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Do vậy, không nên ăn trứng gà sống bằng bất cứ hình thức nào. Khi ăn bạn nên luộc chín và ngay cả cách đập trứng vào trong nước nóng hoặc trong cháo nóng để ăn cũng không nên mà phải luộc kỹ để phòng chống nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, trong lòng trắng có chất chống lại vitamin H, chất này ngăn cản sự hấp thụ của cơ thể đối với vitmamin H này (là một loại vitamin cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể). Nếu thiếu vitamin H sẽ gây đau cơ bắp, mất ngủ, buồn nôn, giảm hồng cầu… Vì vậy nên nấu sôi trứng khi còn để vỏ từ lúc sôi trong vòng 7 phút, nếu đập bỏ vỏ nấu sôi trong vòng 5 phút là an toàn nhất.

Như vậy, ăn trứng cũng cần phải chú ý đến vấn đề chế biến, vì trứng chín hoàn toàn mới phát huy được dưỡng chất. Tùy theo cách chế biến, trứng có giá trị dinh dưỡng khác nhau như trứng luộc: giá trị dinh dưỡng là 99%, trứng chiên là 97%, trứng chần hoặc trứng sống thì giá trị dinh dưỡng thấp chỉ khoảng từ 30-50%. Tuy nhiên, bạn cần phải biết mặc dù trứng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không phải cứ ăn bao nhiêu cũng được mà cần phải có chế độ dinh dưỡng bổ sung cho hợp lý.

Ăn bao nhiêu trứng là vừa?

Theo tổ chức Tim mạch của Anh, mỗi người không nên ăn quá 4 quả trứng trong một tuần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không nên ăn quá 10 quả trứng một tuần.

Tuy nhiên, tốt nhất đối với người lớn tuổi thì không nên ăn quá 5 quả trứng một tuần, đối với thanh niên thì ăn tối đa chỉ 7 quả trứng trong một tuần. Đối với trẻ dưới 12 tháng thì trẻ có thể bị dị ứng ngay sau khi ăn trứng, nhất là những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và bắt đầu ăn dặm. Do vậy, chỉ nên bổ sung trứng cho trẻ khi trẻ trên 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, khi ăn trứng bạn nên ăn thêm các chất như là hoa quả, trái cây có nhiều hàm lượng vitamin C để tăng cường sự hấp thu sắt của trong cơ thể. Đặc biệt, sau khi ăn trứng chúng ta không nên uống trà, vì trong trà có chất làm giảm hấp thu chất sắt.

Trứng là một loại thực phẩm vô cùng lý tưởng, không quá tốn kém để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cơ thể bằng trứng. Tuy nhiên, để trứng thực sự phát huy được tối đa những chất dinh dưỡng vốn có thì bạn cần phải biết chế biến đúng cách và sử dụng tùy theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi và nhu cầu của cơ thể.

Bình luận
vtcnews.vn