• Zalo

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 31/01/2020 16:12:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ Y tế cho biết, các ca dương tính với virus corona ở Việt Nam đều là xâm nhập, chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

Trực tiếp: Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona

Hơn 16h ngày 31/1, buổi họp báo bắt đầu.

Việt Nam chưa có ca viêm phổi lây trong cộng đồng

Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra phức tạp, với tốc độ nhanh. Hiện hiểu biết của người dân về căn bệnh, nguồn bệnh chưa rõ ràng. Người dân đang có những lo lắng nhất định, thông tin tiếp nhận chưa được tốt. Điều này xuất phát từ việc chưa có một buổi cung cấp thông tin nào.

Hiện nay có 9.833 ca bệnh, Trung Quốc 9.699, thiệt mạng 213, xảy ra trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, xác định 5 trường hợp dương tính với virus corona, đều là ca xâm nhập. Trong đó mới đây nhất là ba trường hợp từ Vũ Hán về, một người ở Thanh Hóa, hai ở Vĩnh Phúc. Nghĩa là hiện Việt Nam chưa thấy có ca bệnh lây lan từ cộng đồng.

Chúng ta cần xác định rõ tình hình dịch bệnh, phòng chống dịch quyết liệt nhưng cần tỉnh táo để tránh hệ lụy đến vấn đề xã hội, an sinh của người dân.

Không nên nghe tin đồn trên mạng

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong thời gian qua, Việt Nam làm rất quyết liệt trong phòng chống dịch virus corona. Chúng ta có thuận lợi là Phó Thủ tướng là người trực tiếp chỉ đạo ngành Y tế. Ngoài ra, Ban Bí Thư, Chính phủ và các địa phương cũng chỉ đạo sát sao.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona - 1

Ông Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Các địa phương cũng làm rất tốt công tác giám sát các cửa khẩu, cơ sở y tế. Giám sát cơ sở y tế là rất quan trọng, giám sát ở cửa khẩu tuy cần thiết, nhưng nhiều khi không phát hiện được ca bệnh (do nhiều người uống hạ sốt).

Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy rằng, cần phải có sự phối hợp trong công tác truyền thông để người dân hiểu đi từ vùng dịch về sẽ phải làm gì, có triệu chứng sốt nên làm sao. Chúng ta phải giải thích cho người dân là Chính phủ đã làm rất quyết liệt, Bộ Y tế cũng vậy, nhưng dịch bệnh chỉ đáp ứng được phần nào, không thể chống lại tất cả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có giao Vụ Truyền thông là đầu mối của tất cả hoạt động truyền thông của Bộ. Vì thế mọi người có thể trực tiếp liên hệ để có được thông tin chính xác nhất, không nên tin nghe theo những tin đồn trên mạng xã hội.

Báo chí nên hướng vào những bài viết khuyến cáo, hướng dẫn người dân để họ yên tâm, không nên quá lắt léo để người dân khó hiểu, gây hoang mang thêm. Chúng tôi hứa sẽ trả lời tất cả các vấn đề cụ thể để người dân nắm bắt để yên tâm hơn, tránh hoang mang.

Việt Nam sẽ cố gắng để dịch không lây lan lớn, hạn chế mọi rủi ro

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ tất cả thông tin phải thường xuyên được cập nhật trên trang web của Bộ Y tế.  Dù có kinh nghiệm chống SARS nhưng cũng không nên quá chủ quan bởi dịch lây lan rất nhanh, có tính chất phức tạp, bệnh luôn luôn biến đổi.

Trong lúc này, chúng ta cần chung tay làm sao cho người dân không hoang mang, tất cả phải tham gia chống dịch. Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ, mọi thông tin không được dấu diếm, minh bạch.

Tết vừa rồi, nhân viên Cục Y tế dự phòng đều không có Tết. Ai cũng mong dịch bệnh không lây lan nhưng rất khó, bởi tình hình ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp. Việt Nam sẽ cố gắng để dịch không lây lan quá lớn, hạn chế mọi rủi ro.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona - 2

Đại diện WHO.

WHO tin tưởng công tác phòng ngừa, điều trị của Việt Nam

Sataco Ottshu, đại diện WHO cho biết, tổ chức đã công bố tình trạng khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona NcoV gây ra.

Để công bố dịch bệnh WHO phải dựa trên 1 số yếu tố. Thứ nhất là nguy cơ lây lan của dịch ra quốc tế. Thứ 2 cần phải có phối hợp của toàn cầu trong công tác đối phó, phòng chống dịch. Ý nghĩa của việc công bố là cần sự hỗ trợ, làm việc cùng nhau chống lại dịch bệnh. Các nước trên thế giới cần có sự chung tay để chống lại dịch bệnh.

Chúng tôi rất hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, sợ hãi của công chúng của tuyên bố trên.Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ và sự đe dọa của bệnh tật trên toàn cầu. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là phần lớn các ca bệnh hiện đều được báo cáo tại Trung Quốc.

Tất nhiên dịch bệnh đã lan ra 22 nước, nhưng phải khẳng định một lần nữa là dịch phần lớn vẫn ở Trung Quốc.

Nhưng với Tổ chức Y tế thế giới quan ngại tình hình lây lan của dịch bệnh này, đặc biệt là ở những nước có ngành y tế chưa đủ mạnh. Chúng tôi đánh giá rất cao chính phủ Việt Nam, ngành y tế Việt Nam trong việc phòng ngừa, chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị các ca bệnh cho đến thời điểm hiện tại.

WHO hoàn toàn tin tưởng vào năng lực ứng phó dịch bệnh của Việt Nam. WHO cam kết sẽ  đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona nCoV gây ra.

Sẽ phạt nặng những cơ sở tăng giá khẩu trang

Về câu hỏi Việt Nam hỗ trợ thiết bị y tế cho Trung Quốc để phòng chống dịch, Chính phủ yêu cầu không được tăng giá các sản phẩm thiết bị y tế sang nước bạn, Đại diện Bộ Y tế cho biết, trang thiết bị phòng chống dịch gồm máy thở, lọc máu, khẩu trang, mặt nạ phòng chống dịch, găng tay, kính phòng hộ. Bộ không hỗ trợ Trung Quốc các sản phẩm này.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị do vấn đề nhân công nên chưa đi vào sản xuất. Bộ có gửi công văn cho các đơn vị chủ động sản xuất trang thiết bị để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới phải đảm bảo bình ổn giá, không bán cho các đối tượng đầu cơ, gom hàng tăng giá xuất khẩu cho nước khác. Phải đảm bảo nguồn cung ứng trang thiết bị cho các cơ sở y tế trong nước để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.

Các đơn vị cần nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh, không được tăng giá. Các cơ quan chức năng, đội quản lý thị trường các địa phương cần phối hợp để kiểm soát, kiểm tra, giám sát các cơ sở tăng giá khẩu trang. Sẽ phạt nặng những cơ sở tăng giá khẩu trang.

Năng lực sản xuất của các đơn vị đều đáp ứng được, tuy nhiên thời gian qua đúng là có tình trạng có người đầu cơ, gom hàng để thổi giá, gây thiếu mặt hàng (khẩu trang).

Về công tác chuẩn bị trang thiết bị phòng chống dịch, chúng tôi đề nghị các đơn vị nhập khẩu có báo cáo về năng lực để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đúng theo kế hoạch của Bộ Y tế.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona - 3

 

Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng dịch khẩn cấp?

PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, công bố tình trạng khẩn cấp của WHO mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay vào phòng chống dịch bệnh. Qua đó tạo nguồn lực để đáp ứng. Đối chiếu lại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế chúng ta làm rất nhiều hoạt động đáp ứng được những vấn đề trên: chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền cáp cấp tham gia, chuẩn bị cho nguồn lực...

Tôi cho rằng Việt Nam đã đáp ứng rất tốt trước khi ban bố tình trạng hẩn cấp.

Tại Việt Nam, luật lại quy định khác về tình trạng y tế khẩn cấp so với quốc tế. Việt Nam đã làm việc hết sức mình để đáp ứng công tác phòng chống dịch.

Nên đeo khẩu trang nào phòng dịch corona?

Về vấn đề nên đeo khẩu trang nào, tôi nghĩ mọi người nên đeo khẩu trang phòng bệnh hô hấp tốt, phòng cả khói bụi và nhiều bệnh khác như cúm, viêm phổi. Nhưng ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào chúng ta mới dùng khẩu trang, ví dụ dịch hiện nay chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng chúng ta có thể dùng trong trường hợp những nơi đông người. Có thể dùng khẩu trang y tế, không nhất thiết phải N95.

Theo nguyên tắc, khẩu trang chỉ được dùng 1 lần. Trong lúc này Bộ khuyến cáo chỉ có người tiếp xúc trực tiếp người bệnh, nhân viên y tế mới dùng N95. Còn người dân bình thường, có thể dùng các khẩu trang bình thường hoặc y tế để hạn chế nguy cơ lây lan.

Không đến nơi đông người, nên bỏ một số lễ hội

Về công tác lễ hội, do đang vào mùa, bệnh lại chưa rõ ràng, rất phức tạp nên rất khó để đánh giá. Nhưng Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu không cần thiết không nên đến nơi đông người. Nên bỏ một số lễ hội. Bộ Y tế sẽ căn cứ tình hình, mức độ lây lan để có khuyến cáo cụ thể.

Với các trường học, hiện chưa có ca bệnh nào lây lan trong cộng đồng. Bộ GD&ĐT đã có khuyến cáo là khi có dấu hiệu cần đến các cơ sở y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi hay xác định đã nhiễm, chúng tôi sẽ cách ly ngay, theo dõi và xét nghiệm.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khuyến cáo cho học sinh nghỉ học. Tình hình dịch bệnh tới mức độ nào chúng ta đáp ứng tới mức độ đó, hợp lý giải quyết cách tốt nhất dịch bệnh, đảm bảo các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona - 4

 

Tiêu chí quyết định sự kiện y tế 

Theo bà Sataco Ottshu, đại diện WHO, đó là:

- Sự kiện y tế bất thường hay không.

- Nguy cơ lây lan toàn cầu hay không

- Có đáp ứng cần sự chung tay của toàn cầu hay khôn

Với những bằng chứng đã có đủ để WHO ban bố tình trạng y tế toàn cầu. Người dân cũng không nên quá lo lắng, vì việc công bố để hướng dẫn, khuyến cáo người dân.

Đường dây nóng thông tin dịch corona sẽ miễn phí?

Bộ Y tế cho biết, đường dây nóng 19003228 được Bộ sử dụng làm số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về dịch bệnh trên cả nước.

Trong những ngày qua, có những ngày có tới 200-300 số điện thoại, mỗi cuộc điện thoại dài 3-4 phút nhưng đều được trả lời một cách rõ ràng.

Trước phản ánh của người dân về việc gọi điện đến đường dây nóng bị mất tiền, Bộ cho biết đang liên hệ với đơn vị cung cấp về giá cước mỗi cuộc gọi, làm sao để cuộc gọi đó là miễn phí.

Ngoài số điện thoại trên, thời gian tới Bộ sẽ cố gắng tăng thêm một số số điện thoại khác để tránh tình trạng quá tải.

Không xét nghiệm được virus corona tại nhà

Phó Viện trưởng vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện chưa có xét nghiệm sinh phẩm nào có thể xét nghiệm virus corona tại nhà.

Ông Trần Đắc Phu cho biết, hiện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương có đủ kỹ thuật để chẩn đoán. Các xét nghiệm đều được đặt ở các viện lớn như Nhiệt đới và Pasteur.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các bệnh viện địa phương cũng phải lấy mẫy bệnh phẩm để gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Trong xét nghiệm cũng phải có quy định ca nào xét nghiệm ca nào không vì còn căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, cần có chẩn đoán cụ thể.

Hiện nay, phương thức, cách thức giám sát dịch tễ nói chung, giám sát bằng xét nghiệm tìm nguồn lây, virus đã hoàn thiện và đáp ứng được tình hình dịch bệnh hiện nay.

Chưa có thuốc đặc trị virus corona

Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm trả lời về việc sử dụng thuốc điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm corona.

Ngày 16/1/2020, Bộ y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nCoV. Hiện thuốc điều trị trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine để tiêm phòng. Việc điều trị chủ yếu là điều trị tích cực, điều trị triệu chứng, phát hiện kịp thời các tình trạng nguy hiểm (suy hô hấp, viêm phối cấp).

Trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc đặc hiệu trị triệu chứng như ho dùng thuốc ho, sốt dùng thuốc hạ sốt, dịch truyền, khó thở cho thở oxy, rối loạn nước điện giải, dinh dưỡng có thể truyền các dịch cơ bản để giảm nguy cơ biến chứng.

Các bệnh nhân có bệnh lý kèm sẽ được sử dụng thuốc đặc trị các bệnh đó. Các thuốc này là thuốc bệnh viện vẫn dùng hàng ngày, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở thực hiện đảm bảo cung ứng, sẵn sàng thuốc ứng phó dịch. Trong trườn hợp thiếu thuốc phải mua sắm ngay, đấu thấu, không để thiếu thuốc.

Tamiflu không chữa được virus corona

Trong hướng dẫn điều trị corona của WHO và Bộ Y tế đều không có tamiflu vì không có tác dụng. Người dân không nên đổ xô đi mua.

Hiện nay tất cả các trường hợp nghi ngờ nCoV, có dấu hiệu sốt, đường hô hấp, đi từ vùng dịch về lúc đó mới được coi là nghi ngờ mới đi xét nghiệm, chứ không phải ai cứ có dấu hiệu về hô hấp là đi xét nghiệm nay. Phải để dành nguồn lực cho những ca bệnh thực sự nghi ngờ.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona - 5

Dịch bệnh lan nhanh trên toàn cầu. (Xem thêm)

Virus corona có lây lan qua máy đo nồng độ cồn?

Kkhông chỉ riêng nCoV mà tất cả các trường hợp thổi nồng độ cồn đều phải dùng riêng ống thổi dùng 1 lần. Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho rằng, mọi người nếu công an có yêu cầu thổi nồng độ cồn, cũng không nên lo lắng quá về nguy cơ lây nhiễm.

Về câu hỏi tại sao Bộ Y tế họp báo muộn, đại diện Bộ cho biết, thời gian qua, Bộ cũng chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, cập nhật, thậm chí họp ban chỉ đạo cũng mời các báo chí đến dự đưa tin cho khách quan. Chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin hàng giờ, túc trực, ngày Tết không được nghỉ, để chuẩ bị cung cấp thông tin cho báo chí, người dân.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng truyền thông của Bộ Y tế nói, phòng chống dịch không chỉ riêng nhiệm vụ của ngành y tế mà là sự chung tay của nhiều tổ chức cơ quan, và tất cả mọi người.

Cuộc họp báo kết thúc lúc 17h40.

213 người chết vì virus corona

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến 13h ngày 31/1, thế giới ghi nhận 9.833 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV).

Trong đó 213 người chết (toàn bộ đều là người Trung Quốc). Riêng Trung Quốc, 9.699 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh/thành phố.

Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 134 trường hợp nhiễm virus corona tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Nhật Bản (14), Hồng Kông (15), Singapore (13), Đài Loan (9), Ma Cao (7), Australia (9), Malaysia (8), Hoa Kỳ (6), Pháp (6), Việt Nam (5), Đức (5), Hàn Quốc (7), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4), Canada (3), Campuchia (1), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Ấn Độ (1), Phillippines (1).

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn