HTX Ngọc Linh H80, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được thành lập tháng 5/2022 với hơn 170 thành viên, số vốn thực góp hơn 500 triệu đồng (góp trước ngày ra mắt). HTX hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề như: dịch vụ liên kết trồng và tiêu thụ nông sản, cung cấp giống cây lâm nghiệp và dược liệu, du lịch cộng đồng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…
Với 11 thành viên Ban quản trị là người dân tộc thiểu số, mục tiêu liên kết các hộ nông dân, trang trại và doanh nghiệp để vừa cung cấp giống, kỹ thuật canh tác hướng đến an toàn và sạch, HTX tổ chức kinh doanh theo hình thức đa dịch vụ - gồm các dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp. HTX khai thác thế mạnh từ các vườn sâm Ngọc Linh để phát triển du lịch nông nghiệp, tạo chuỗi giá trị hướng đến phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù theo tiêu chuẩn OCOP.
Đặc biệt, trên địa bàn xã có thác nước Y Hai và các vườn sâm Ngọc Linh nổi tiếng, do đó địa phương xác định đây là tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, hướng tới phát triển cộng đồng. Chính vì vậy, HTX tổ chức cho các hộ trồng sâm Ngọc Linh cùng nhau phát triển dịch vụ du lịch.
“HTX Ngọc Linh H80 là mô hình đầu tiên được thành lập ở Tu Mơ Rông. HTX ra đời với mục đích sản xuất kinh doanh đa dịch vụ, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng, như: trải nghiệm vườn sâm, ruộng bậc thang…góp phần nâng cao diện mạo đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội của xã Măng Ri. Qua đó giúp xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân được cải thiện và ổn định”, ông Dương Đình Chung, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho hay.
“Cây dược liệu là thế mạnh nông nghiệp của xã Măng Ri, người dân cần một tổ chức hỗ trợ liên kết tiêu thụ cây dược liệu nhằm nâng cao giá trị dược liệu địa phương và tăng thu nhập hộ gia đình. HTX sẽ đóng vai trò hỗ trợ thành viên liên kết với doanh nghiệp, công ty lớn, chứ không mua đi bán lại. Huyện Tu Mơ Rông có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Việc phát triển HTX cộng đồng là hướng đi đúng, tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ.
Phát triển du lịch gắn với nhân sâm
Là địa danh có lợi thế về cảnh quan đẹp, hoang sơ, nhiều loại dược liệu quý, có các di tích lịch sử cách mạng, là nơi đồng bào Xơ Đăng còn lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu, huyện Tu Mơ Rông đã xác định tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử và đặc biệt là du lịch trải nghiệm gắn với cây dược liệu sâm Ngọc Linh, sản phẩm nông nghiệp điển hình và có giá trị cao của địa phương.
Để tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện Tu Mơ Rông hàng năm tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; quảng bá, mời gọi, thu hút đầu tư và tạo các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp vào khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn.
“Qua hai lần tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh gần đây, huyện đã lồng ghép và triển khai nhiều hoạt động mang thông điệp về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch, thu hút trên 8.000 lượt khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm”, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.
Bình luận