Sáng ngày 29/9, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1 – 3 hàng tháng. Phiên chợ đầu tiên bắt đầu vào ngày 1 – 3 tháng 10 này ngay tại trung tâm huyện miền núi Nam Trà My.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, mục đích phiên chợ nhằm quảng bá sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh, các sản phẩm nông - lâm sản đặc trưng của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Phiên chợ sẽ góp phần bảo vệ thương hiệu, chất lượng của cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam). Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch; tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển KT-XH của huyện; giúp nâng cao nhận thức của người dân địa phương về kinh tế thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao kiến thức về bán hàng và xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp kinh doanh tại miền núi.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh có quy mô hơn 20 gian hàng, mỗi gian hàng có từ 20 đến 40 hộ dân đăng ký tham gia, trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh của các hộ trồng sâm trên địa bàn huyện, các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp, như: Rượu sâm, viên nan sâm, trà sâm, kẹo sâm.
Bên cạnh đó sẽ có thêm hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khác thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Quế Trà My, hàng thổ cẩm, các loại cây dược liệu, nông sản đặc trưng miền núi Quảng Nam...
Tại phiên chợ còn có các hoạt động khác như giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với các hộ trồng sâm, các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Du khách sẽ được tận mắt xem, tìm hiểu và phân biệt giữa sâm thật và sâm giả, bao gồm phân biệt cả lá sâm, thân sâm và củ sâm...
Trả lời về chất lượng sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh giả, ông Bửu cho rằng tại phiên chợ sâm Ngọc Linh sẽ có một tổ tư vấn và hỗ trợ. Tổ gồm các thành viên từ các sở, ngành và các hộ dân chuyên trồng sâm Ngọc Linh tại huyện. "Tôi tin chắc rằng trong phiên chợ này không có củ sâm Ngọc Linh nào giả. Vì tổ tư vấn về chất lượng sâm là những người tinh túy nhất của huyện" - Chủ tịch huyện khẳng định.
Ông Bửu cũng cho biết, sẽ đảm bảo được về sản lượng cho mỗi phiên chợ từ 20 đến 50 ký sâm củ Ngọc Linh. Về giá cả, loại sâm Ngọc Linh 36 củ một ký có giá 55 triệu đồng. Loại sâm Ngọc Linh 10 củ một ký có giá 90 triệu đồng. Còn về lá sâm tươi Ngọc Linh, một ký có giá từ 5 đến 6 triệu đồng.
Sáu ký lá sâm tươi Ngọc Linh mới được một ký lá khô. Mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 tấn lá tươi sâm Ngọc Linh, thời điểm thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10. Như vậy hiện nay trên thị trường bán đầy rẫy lá sâm khô Ngọc Linh và lá sâm tươi Ngọc Linh với giá từ 2,3 triệu đồng là sâm Ngọc Linh giả hết.
Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại huyện nhà, ông Hồ Quang Bửu cho biết hiện nay đã có 2 tập đoàn Vingroup và TH đã làm việc với UBND tỉnh để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My.
Video: Thủ tướng phê duyệt sâm Ngọc Linh trở thành 'Sản phẩm Quốc gia'
"Đến nay, hai tập đoàn này đã đi khảo sát kỹ vùng núi Ngọc Linh của huyện 5 lần rồi. Họ đã lấy đất tại vùng Ngọc Linh về để kiểm định. Về kinh phí đầu tư của hai tập đoàn này dự kiến là hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó một tập đoàn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng và một tập đoàn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Đây là niềm vui với huyện nghèo Nam Trà My" - Chủ tịch huyện chia sẻ.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp quan đến sản phẩm sâm Ngọc Linh đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi Nam Trà My.
Bình luận