Chỉ tính bình quân một 1ha khoai lang trồng trong 4 - 5 tháng, nhà nông phải phun 200kg thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, sùng ăn củ. Như vậy, với diện tích hơn 6.400ha khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long trồng trong ngần ấy thời gian, lượng thuốc BVTV đổ xuống cánh đồng khoai là rất khủng khiếp.
Thuốc gấp ba phân
Ông Nguyễn Văn Đời, người canh tác 3.500m2 khoai lang ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) nói: "Bây giờ trồng khoai lang, tiền mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, sùng ăn củ nhiều gấp 2 - 3 lần tiền mua phân. Xuống giống khoai một hai ngày là bắt đầu phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh. Bình quân, một tuần một lần phun thuốc BVTV với liều lượng 1 - 1,5 kg thuốc /1.000m2. Một vụ khoai trồng 4 - 5 tháng thì 1ha sử dụng khoảng 200kg thuốc BVTV.
Mang bình đi phun thuốc BVTV về là bị nóng cả hai con mắt, ngứa toàn thân, phải mua thuốc uống. Đọt khoai lang thấy non nhưng không dám hái ăn hoặc cho heo ăn vì đã dính thuốc BVTV. Nước trong ruộng khoai thì thải ra sông mỗi ngày và theo đó dư lượng thuốc BVTV cũng trôi ra sông. Người có ít đất trồng khoai sống chung với thuốc BVTV đã đành, đằng này những người nghèo, không có đất sản xuất thì đạp trên thuốc BVTV để sống".
Anh Tuần, người làm thuê trên cánh đồng khoai lang huyện Bình Tân, Vĩnh Long chia sẻ: "Gia đình nghèo, không đất sản xuất, ai mướn làm gì thì làm nấy, ngán nhất là đi phun thuốc BVTV. Khoai lang chưa vào vụ thu hoạch, bà con kêu phun thuốc khoai liên tục vài ngày là không dám nhận. Tiếp xúc với mùi hôi của thuốc BVTV phòng trừ con sùng hại khoai thì rất độc. Biết độc nhưng vì cần tiền để lo gia đình, đành phải bịt mắt, bịt mũi làm. Bình quân một ngày phun xịt thuốc BVTV kiếm trên 200.000 đồng/người, hoặc phun một bình thuốc. chủ khoai trả 15.000 đồng cho người làm".
Ông Ngô Văn Phúc ở xã Tân Quới, Bình Tân (Vĩnh Long), người trồng 4 ha khoai cho biết, với khoai lang, chi phí phân bón 1, thuốc BVTV phải gấp 2, 3 lần. Bình quân một tuần phun một lần, một vụ khoai 4 tháng tốn khoảng 15 triệu đồng/ha. Thuốc BVTV có đủ loại, hễ diệt được những loài côn trùng phá củ là phun, tưới. Kể cả thuốc của Trung Quốc không có nhãn hiệu hàng hóa cũng được dùng tưới cho khoai. Khi xuống giống là bắt đầu phun, đến khi thu hoạch mới ngưng phun thuốc BVTV diệt côn trùng hại củ.
Con gì cũng chết
Ông Lê Trung Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, cho biết, thuốc sử dụng cho việc trồng khoai lang phun xuống ruộng tận diệt thủy sản. Con chạch, con lươn sống ở dưới lớp đất sình non cũng phải chui đầu lên mặt nước mà chết. Con rắn trung, loài bò sát có sức sống rất khá, cũng không sống nổi với thuốc sử dụng cho cây khoai lang. Thuốc sử dụng cho việc trồng khoai lang là loại chai vỏ nhôm, có loại không còn nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Toàn nói dí dỏm nhưng đó là sự thật: “Những người quản lý ngành BVTV địa phương không hiểu thuốc sử dụng trong việc trồng khoai lang là thuốc gì, nhưng con chuột thì hiểu nên lũ chuột không dám sống trong ruộng khoai”.
Qua tìm hiểu thực tế, người trồng khoai sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để phòng trừ côn trùng gây hại củ khoai lang trong đất có gốc rất độc, điển hình như chất Cypermethrin cực độc. Chính vì vậy mà các công ty thuốc BVTV đều nhập về để pha chế, sản xuất ra nhiều loại thuốc phòng trừ các loại sâu trên cây lúa, khoai lang, hoa màu và cây ăn trái.
Theo thống kê của Cục BVTV, năm 2011, các công ty thuốc BVTV nhập khẩu 2.120 tấn thuốc và tất cả đều được rải xuống đồng. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục BVTV ngưng cấp phép cho các công yy xin nhập Cypermethrin và phải tìm sản phẩm khác thay thế để hạn chế tối thiểu sự hiện diện của Cypermethrin trong môi trường.
PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, những loại thuốc dùng để phòng trừ sâu bệnh cho cây khoai lang có gốc khá độc. Trong việc nhà nông lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất khoai lang cũng như cây lúa, vai trò của cơ quan quản lý thuốc BVTV rất lớn.
Từ lâu nay, việc quản lý, đăng ký kinh doanh thuốc BVTV quá dễ nên doanh nghiệp tha hồ đua nhau đăng ký nhiều sản phẩm mới, nhưng lại thiếu khâu tập huấn kỹ thuật trong việc sử dụng thuốc sao cho hiệu quả. Đối với việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, sùng hại củ khoai lang, đã đến lúc các tỉnh phải quy hoạch hẳn một vùng trồng khoai có đê bao để kiểm soát vấn đề dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong đất, nước.
Bình luận