Thành công bất ngờ của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á ghi dấu sự tỏa sáng của những Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Thanh,... hay huấn luyện viên (HLV) trưởng Park Hang Seo. Tuy nhiên, bên cạnh những cái tên đã bước ra ánh sáng sau giải đấu này, còn đó những người hùng trong bóng đêm, thầm lặng hoàn thành công việc được giao.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa chính là người hùng thầm lặng như vậy. VTC News xin gửi tới bạn đọc cuộc phỏng vấn với "cánh tay phải" thực sự của HLV Park Hang Seo - người đã chuyển tải trọn vẹn ngôn ngữ và tinh thần của chiến lược gia người Hàn Quốc để chắp cánh cho các cầu thủ U23 Việt Nam làm nên hành trình kỳ diệu.
- Người hâm mộ rất thích thú với bài chia sẻ trên mạng xã hội của ông sau chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Qatar, đặc biệt là câu nói: "Đã lỡ rồi, ta vô địch đi thôi". Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về câu nói này?
Câu nói "Đã lỡ rồi, ta vô địch đi thôi" mang nhiều màu sắc ý nghĩa lắm. Cái câu "đã lỡ" ở đây rất dễ thương, mang lại cảm hứng cho mọi người. "Đã lỡ" nói về những cái nằm ngoài dự tính. Phải "vô địch đi thôi" bởi chúng ta phải nắm bắt cơ hội, có khi nó chỉ đến một lần và không có lần thứ hai.
Đội tuyển sinh ra từ nhân dân, được nhân dân yêu quý, có cơ hội được đi máy bay, thi đấu cũng là từ chi phí của nhân dân cả.
Đã bước vào trận chung kết là phải khao khát vô địch. Chúng ta muốn giành danh hiệu, và thực sự có thể giành danh hiệu nếu chúng ta tập trung thêm ít phút nữa thôi, để không phải dùng từ "đã lỡ" nữa.
Đội tuyển sinh ra từ nhân dân, được nhân dân yêu quý, có cơ hội được đi máy bay, thi đấu cũng là từ chi phí của nhân dân cả. Tôi muốn nhân tiện để đền đáp tình cảm cho mọi người, và thực sự hạnh phúc khi đội tuyển đã là nhà vô địch trong lòng người hâm mộ.
- Ông Park Hang Seo có biết những điều ông vừa chia sẻ trên mạng xã hội hay không?
Ông Park Hang Seo chưa biết, bởi từ khi về, toàn đội rất bận rộn. Chúng tôi mới trao đổi những việc chung thôi chứ chưa nói những cái riêng. Đó thực ra là những cảm xúc riêng, không nhất thiết phải nói. Có thể tôi sẽ tâm sự với ông Park trong tương lai gần.
- Rất nhiều người ấn tượng với trợ lý Lê Huy Khoa sau trận chung kết, khi ông thuật lại lời của HLV Park Hang Seo với thần thái, tinh thần rất máu lửa. Với người phiên dịch, bên cạnh dịch đúng nội dung, truyền tải trọn vẹn thần thái của người nói đến người nghe cũng là điều hết sức quan trọng. Ông có thể nói về những bí quyết giúp mình hoàn thành rất tốt nhiệm vụ hay không?
Nhiều người hâm mộ chưa biết về câu chuyện ở đội tuyển sau khi U23 Việt Nam nhận bàn thua ở những giây cuối cùng. Chỉ 30 giây nữa là kết thúc, nên người xem tiếc một, cầu thủ và ban huấn luyện chúng tôi tiếc cả ngàn lần. Tiếc ngẩn tiếc ngơ, tiếc đến... chết đứng người.
Chỉ 30 giây nữa là kết thúc, nên người xem tiếc một, cầu thủ và ban huấn luyện chúng tôi tiếc cả ngàn lần.
Tất cả cầu thủ rất buồn, tĩnh lặng đến mức không ai nói gì. HLV Park Hang Seo cũng buồn rất nhiều.
Nói gì thì nói, tôi cũng hơn cầu thủ hai chục tuổi. Lúc đó tôi nghĩ: các cầu thủ không nên đến lễ trao giải với bộ mặt sầu não như vậy. Họ đã cố gắng hết sức. Khi ông Park nói thế, tôi hiểu mình cần phải sốc dậy tinh thần cầu thủ, và đó cũng là phong cách phiên dịch của tôi. Ở thời điểm nói, tôi nghĩ đây là không gian riêng, không nghĩ là báo chí ghi lại được.
Tôi muốn toàn đội phải mạnh mẽ lên, vươn lên. Khi ông Park - người đã có hàng chục năm lăn lộn với bóng đá đỉnh cao nói thế, chúng ta có quyền ngẩng cao đầu. Với tôi, làm sao thì làm, phải xua tan nỗi buồn cho toàn đội.
- Ông suy nghĩ thế nào về phong cách làm việc của HLV Park Hang Seo - phong cách làm việc nhiều người đánh giá là "chuẩn Hàn" và cực kỳ chuyên nghiệp?
HLV Park Hang Seo làm việc rất nhiệt huyết, chăm chỉ, bài bản và cụ thể, có kế hoạch từng ngày từng giờ. Các cầu thủ Việt Nam phải học hỏi rất nhiều, từ chuyên môn, cách tổ chức trận đấu đến xử lý tình huống trên sân, kể cả tình huống thất bại. Tôi muốn đóng góp để cầu thủ, trợ lý lĩnh hội được điều đó để họ có thể trở thành những nhà quản lý tài năng và là nòng cốt của bóng đá nước nhà trong tương lai.
Cơ hội để được gặp những chuyên gia với 30, 40 năm kinh nghiệm là không nhiều. Chúng ta phải tận dụng.
Video: U23 Việt Nam đã chơi hết mình, sao phải cúi đầu?
- Trong khoảng ba tháng làm việc với HLV Park Hang Seo trên cả tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải là gì?
Thứ nhất, tôi là người làm công tác chuyên môn về phiên dịch. Đã phiên dịch, phải có đầu vào và đầu ra. Đầu vào là mình phải hiểu được, đầu ra là mình phải diễn đạt được cho các cầu thủ.
HLV Park Hang Seo nói giọng địa phương, nói rất nhanh và tính cách vô cùng nóng vội, muốn cái gì cũng phải thật nhanh nên phiên dịch rất áp lực. Hai mươi mấy năm đi phiên dịch cho Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị, tôi chưa thấy ai nói nhanh như thế.
Thứ hai, bóng đá khác với những môn chơi bình thường. Chúng ta không có thời gian sửa sai, điều chỉnh. Trên sân tình huống diễn ra cực nhanh. Cầu thủ đỡ bóng thôi, ông Park đã nhắc phải mở người ra, phải dắt, phải rê, nếu không nói ngay là cầu thủ xử lý không kịp. Cũng may mình có sức khỏe, cũng yêu bóng đá nên ông Park nói thế là mình hiểu ngay. Khó khăn vậy thôi, chứ từ chuyên môn trong bóng đá không có nhiều.
Thứ ba, phải truyền đạt được tinh thần đến các cầu thủ. Ông Park mang phong cách cần cù, máu lửa điển hình của người Hàn Quốc và bản thân ông cũng thể hiện được điều đó. Tôi tin là mình đủ kinh nghiệm để truyền tải tinh thần ấy đến các cầu thủ.
Thực ra diễn đạt ý của ông Park không thể đúng hết 100% được. Nhưng 50, 60 hay 70, 80% thì nó mới có giá trị. Ngoài ý nghĩa, còn phải dịch trọn cảm xúc của ông Park. Như thế mới là đạt.
- Phải dịch cho cả ba người Hàn Quốc (ông Park Hang Seo cùng hai trợ lý) và dịch trong cả bữa ăn, đó là áp lực rất lớn với người phiên dịch?
Gần như không có bữa nào tôi được ăn liên tục, nhiều khi vừa nhai vừa dịch. Sau ông Park bảo: Phiên dịch vất vả quá, nên tôi cần ăn trước, để khi ăn gần xong rồi thì bắt đầu nói.
Tuy nhiên, VFF không cần phải có thêm người phiên dịch. Đến giờ tôi vẫn đảm nhận được. Giải này sôi động quá nên mọi người thấy mệt mỏi, chứ bình thường không cần. Nếu có thì quá tốt, còn không tôi vẫn cảm nhận được.
- Ông sẽ tiếp tục gắn bó với công việc tại tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam chứ?
Tôi sẽ tiếp tục gắn bó.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận