Tối 8/2 (theo giờ địa phương), tại Quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng đã tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (1948 – 2023), hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhiều quan chức quân đội và Đảng Lao động Triều Tiên đã dự khán buổi duyệt binh.
Còn theo Reuters, Triều Tiên đã phô diễn gần như toàn bộ tên lửa đạn đạo trong lễ duyệt binh đêm 8/2. Trong đó, lễ duyệt binh có sự xuất hiện của một mẫu hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa di động (ICBM) chưa được công bố và 11 hệ thống tên lửa ICBM Hwasong-17.
KCNA cho biết, các hệ thống ICBM trên cho thấy khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cho biết thêm rằng tham gia duyệt binh có cả các đơn vị hạt nhân chiến thuật.
Hwasong-17 là hệ thống tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn ước tính lên đến 15.000 km. Cuối năm 2022, quân đội Triều Tiên cũng tuyên bố hoàn tất chương trình thử nghiệm Hwasong-17.
Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nhận định hệ thống ICBM mới có thể đã xuất hiện trong cuộc duyệt binh năm 2017 nhưng chưa được thử nghiệm thực tế.
“Đây là số bệ phóng ICBM di động lớn nhất từ trước tới nay được Triều Tiên giới thiệu trong một lễ duyệt binh”, ông Panda nói thêm.
Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng nếu những hệ thống ICBM như vậy được trang bị nhiều đầu đạn, con số này có thể đủ làm vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul phân tích: “Lần này Bình Nhưỡng đã cho thế giới thấy quy mô thật sự của các lực lượng tên lửa chiến thuật và chiến lược của họ, những vũ khí này thể hiện khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên”.
Còn theo Joseph Dempsey, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Mỹ, tên lửa ICBM mới của Triều Tiên có kích thước gần tương đương Hwasong-17 nhưng sử dụng thiết kế ống phóng kín và sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn.
Dù khó chế tạo hơn động cơ nhiên liệu lỏng, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội. Chúng không mất thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng như tên lửa nhiên liệu lỏng, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.
Phần lớn tên lửa đạn đạo trong biên chế Triều Tiên hiện nay vẫn dùng nhiên liệu lỏng. Phát triển hệ thống ICBM dùng nhiên liệu rắn là một trong những mục tiêu then chốt dài hạn của Bình Nhưỡng.
Bình luận