Mặc dù tuyên bố không có trường hợp nào mắc COVID-19, Triều Tiên đã phong tỏa biên giới như một biện pháp nghiêm ngặt chống đại dịch. Điều này là nguyên nhân khiến nhiều nhà ngoại giao và công dân nước ngoài rời Triều Tiên.
Đầu tuần này, 2 nhân viên quốc tế cuối cùng còn lại của Liên hợp quốc, đều thuộc Chương trình Lương thực thế giới (WFP), được cho là đã rời Bình Nhưỡng. Một số cơ quan của Liên hợp quốc bao gồm WFP, WHO và UNICEF có văn phòng tại Triều Tiên cũng không còn người làm việc.
Hôm 19/3, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, văn phòng Liên hợp quốc vẫn hoạt động, đồng thời cơ quan này phối hợp cùng các nhân viên địa phương, tiếp tục làm việc từ xa vì lợi ích của người dân Triều Tiên. Hoạt động của WFP sẽ do các nhân viên địa phương ở Bình Nhưỡng và các nhân viên quốc tế làm việc từ xa phụ trách.
Theo Stephane Dujarric, nhân viên quốc tế của Liên hợp quốc đã về nước thăm gia đình và họ dự kiến trở lại Bình Nhưỡng ngay sau khi việc đóng cửa biên giới liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ.
Theo các chuyên gia y tế, Triều Tiên có khả năng nhận được 1,9 triệu liều vaccine được sản xuất tại Ấn Độ trong nửa đầu năm nay.
Đại dịch COVID-19 khiến Triều Tiên đóng cửa biên giới, thu hẹp đáng kể hoạt động ngoại thương của nước này. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Bình Nhưỡng khi đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Bình luận