Chuyên gia Paul Carroll - thuộc Trung tâm nghiên cứu Ploughshares Fund (Mỹ) - cho rằng, việc Mỹ công khai đưa pháo đài bom B-52 và máy bay tiêm kích tàng hình tập trận trên bầu trời Hàn Quốc là tín hiệu “đã sẵn sàng nghênh chiến” gửi đến Triều Tiên.
Triều Tiên sẽ không mạo hiểm?
Ngày 1/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tập các đại biểu tham dự phiên họp mùa xuân thường niên của Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội). Nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp bàn với các tướng lĩnh quân đội - Ảnh: Dailymail
Động thái này diễn ra một ngày sau khi các quan chức hàng đầu trong Đảng Lao động Triều Tiên thông qua một tuyên bố nhấn mạnh việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân là “sinh mệnh quốc gia” và sẽ không đánh đổi với bất kỳ giá nào dù với “hàng tỉ USD”.
“Triều Tiên đã chơi hầu hết các quân bài chính trị, vì vậy, sẽ khó có thể đưa ra thêm những đe dọa mới hiện hữu sau cuộc họp này” - ông Cho Han-Bum - một nhà phân tích tại Viện Hòa giải Dân tộc Triều Tiên ở Seoul - nhận định.
“Có lẽ, Quốc hội Triều Tiên sẽ chỉ đưa ra một số tuyên bố biểu trưng, ví dụ như thúc giục toàn bộ người Triều Tiên sẵn sàng để nghênh chiến với Mỹ” – ông này nói.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Triều Tiên vẫn liên tục phát đi hình ảnh binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, hoặc đang ngụy trang các xe tải và xe quân sự.
Hàng loạt các bảng truyền thông mới được dựng lên tại các thành phố của Triều Tiên, với lời kêu gọi “tiêu diệt đế quốc Mỹ”, hay thúc giục người dân chiến đấu “bằng vũ khí, chứ không phải bằng lời”.
Hàng nghìn quân nhân Triều Tiên tụ tập ở quảng trường Kim Nhật Thành hô to khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un |
Bất chấp những tuyên bố hừng hực chiến tranh của Triều Tiên, các nhà phân tích từ cả Mỹ và Hàn Quốc đều tin Triều Tiên sẽ “không mạo hiểm thúc đẩy một cuộc xung đột toàn diện”.
Một trong những bằng chứng cho phân tích này là việc Triều Tiên vẫn mở cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong, nằm ở phần lãnh thổ nước này. Các nhân viên từ Hàn Quốc vẫn đi qua biên giới để đến làm việc tại khu công nghiệp vào sáng 1/4.
Điều mà Triều Tiên mong muốn, vẫn theo nhận định của phương Tây, là sử dụng sức ép hạt nhân để buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, yêu cầu tân Tổng thống Hàn Quốc phải thay đổi chính sách với nước này, đồng thời tạo sự đoàn kết bên trong Triều Tiên mà không phải thực sự tham chiến.
Nước cờ đi sai?
Song, chuyên gia phân tích Bruce Klingner - thuộc Quỹ Heritage tại Washington - nhận định, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un – người được cho là chưa đầy 30 tuổi – có nguy cơ đã đi những “nước cờ sai lầm” khi đẩy căng thẳng lên mức độ quá cao.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, những biện pháp khiêu khích của Triều Tiên sẽ chỉ càng “khiến quốc gia này thêm cô lập” và rằng Mỹ có đủ tiềm lực và sẵn sàng để bảo vệ quyền lợi tại khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye |
Trong tuyên bố ngày 1/4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng khẳng định “sẽ đáp trả mạnh mẽ trước bất cứ hành động khiêu khích gây hấn nào, mà không cần phải cân nhắc chính trị”.
Một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết, Hàn Quốc và Mỹ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhạy cảm về sửa đổi một hiệp ước hạt nhân dân sự song phương vào đầu tuần này tại Washington, khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se thăm Mỹ và hội đàm với người đồng nhiệm John Kerry.
Việc sửa đổi thỏa thuận hạt nhân dân sự ký năm 1974 và hết hạn vào năm 2014, trong đó cấm Hàn Quốc làm giàu urani và tái chế nhiên liệu hạt nhân, là chương trình nghị sự song phương quan trọng giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo Lao Động
Bình luận