Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định; điều trị triệu chứng là chủ yếu; đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý.
Việc sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch...) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam. Người bệnh cần theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các biện pháp điều trị chung là cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ, xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế; cụ thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.
Với thể nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau; chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức; phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
Với thể nặng, cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành.
Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định những trường hợp:
- Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...).
- Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...).
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.
- Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Bình luận