Lợi cả đôi đường
Sau gần 2 thập kỷ triển khai chương trình phát triển ngành sữa tại Việt Nam, các chuyên gia của FrieslandCampina Việt Nam chỉ ra hàng loạt những bất lợi khi những người nuôi bò chỉ dừng lại ở mô hình hộ cá thể.
Chăn nuôi trong điều kiện phụ thuộc nhiều mặt vào các đại lý cung cấp thức ăn cho bò, tự bỏ chi phí kiểm nghiệm thức ăn cho bò, v.v. Lợi nhuận từ nghề nuôi bò bán sữa lại ngày càng ít lại do mức tăng phi mã từ các yếu tố đầu vào.
Từ thực tế này, công ty đã hỗ trợ những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ở gần nhau lập thành nhóm và tổ hợp tác để tự quản về kiểm tra chất lượng sữa.
Theo đó, những tổ, nhóm này sẽ bầu ra những nhóm trưởng, tổ trưởng và những người này sẽ có trách nhiệm ghi chép số lượng sữa của từng thành viên, lấy mẫu sữa của từng thành viên ở từng buổi giao sữa, lưu giữ và phân tích khi cần thiết nhằm cải thiện chất lượng sữa của từng thành viên và của nhóm.
Ông Lê Văn Mống – Tổ trưởng một tổ hợp tác tự quản ở xã Tân An Hội, Củ Chi |
Với mô hình này, đến kỳ hạn thanh toán tiền sữa, nhóm trưởng và tổ trưởng chủ động nhận và chi trả tiền sữa cho các thành viên theo giá sữa của công ty chi trả.
Những nhóm, tổ tự quản lập ra sẽ được công ty hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống bồn lạnh tại chỗ giúp nâng cao chất lượng vi sinh của sữa, nhờ đó giá thu mua sữa sẽ cao hơn so với trước đây.
Lợi ích lớn nhất từ mô hình này mà người nuôi bò được hưởng chính là giá thức ăn chăn nuôi đầu vào sẽ được giảm đáng kể do FrieslandCampina Việt Nam đảm nhiệm việc kết nối công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi cung cấp với số lượng lớn, giá thành thấp hơn cho các nhóm và tổ hợp tác so với hình thức các hộ nộng dân mua từ các đại lý nhiều tầng cấp như trước nay.
Qua mô hình này, biên độ lợi nhuận của ngành chăn nuôi bò lấy sữa tăng lên rõ rệt, giúp nông dân hoàn toàn yên tâm với phát triển và gắn bó lâu dài với công ty.
Hơn thế nữa, những kỹ thuật chăn nuôi như chọn giống, gieo tinh nhân tạo, vay vốn và hỗ trợ những phương pháp chăn nuôi bò sữa đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và sản lượng sữa cao nhất… của những người tham gia nhóm, tổ tự quản cũng luôn được FrieslandCampina Việt Nam ưu tiên hỗ trợ.
Có “bền” mới “vững”
Kết quả của mô hình này cho thấy, từ tháng 10/2012 đến 30/04/2013 có khoảng 60 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa mua được 439 tấn thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy sản xuất.
Dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ có 130 nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ mua được thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy sản xuất, số lượng thức ăn chăn nuôi nông dân mua được lên đến con số 1.000 tấn.
Với việc mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi bò sữa giúp nông dân tiết kiệm được một khoảng chi phí đáng kể đầu vào.
Một trang trại cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho FrieslandCampina Việt Nam |
Hiệu quả nhất trong cách tổ chức chăn nuôi này theo chia sẻ của ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của công ty FrieslandCampina Việt Nam là giải được “bài toán” giảm chi phí đầu vào cho người nông dân, trong đó giá sữa tươi nguyên liệu bình quân nhóm, tổ hợp tác nhận được cao hơn so với nông dân cá thể từ 4% - 10%.
Mặt khác, chất lượng vi sinh của sữa được nâng cao rõ rệt do được làm lạnh ngay tại trại, nhờ vậy FrieslandCampina Việt Nam có được nguồn sữa nguyên liệu chất lượng cao cho các dòng sản phẩm dinh dưỡng của công ty bán ra thị trường.
Hiện tại, số lượng nông dân chăn nuôi bò sữa tham gia chương trình ngày một nhiều dù mới triển khai. Từ chỗ gần như không có nền kinh tế nông nghiệp bò sữa, cho đến nay, Bình Dương và các vùng lận cận Củ Chi, Long An, Tây Ninh đã có hơn 3,000 hộ nông dân nuôi bò tham gia chương trình phát triển ngành sữa của công ty FrieslandCampina Việt Nam.
Với tính hiệu quả cao của việc thành lập nhóm, tổ hợp tác, ông Lưu Văn Tân bày tỏ dự định sẽ tiếp tục triển khai ở tất cả những vùng sữa nguyên liệu của FrieslandCampina Việt Nam như Sóc Trăng, Long An, Củ Chi, Lâm Đồng đến các vùng chăn nuôi phía Bắc như Hà Nam, Hưng Yên…đúng với phương châm “phát triển bền vững” của chương trình trong gần hai thập kỷ qua.
Phương Dũng
Bình luận