(VTC News) - Hơn 150 tư liệu gồm bản đồ, ảnh, hiện vật về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại Hà Nội.
Sáng 9/7, tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam diễn ra Triển lãm bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử".
Chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại triển lãm - Ảnh: Công Khanh |
Ban tổ chức cho biết, triển lãm lần này có 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Các tài liệu đều được chú thích bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Tất cả tư liệu đều chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Điều đáng chú ý là có nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc được mang tới triển lãm thể hiện cực nam của nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, bản đồ của Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn cùng các thư tịch cho thấy Việt Nam đã khai thác và thiết lập chủ quyền một cách liên tục với Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 16, thế kỷ 17", ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Nhiều bản đồ cổ của Việt Nam, phương Tây, Trung Quốc được mang tới triển lãm - Ảnh: Công Khanh |
Ban tổ chức cũng cho biết thêm, 3 cuốn Atlas (bản đồ chính thức) xuất bản vào năm 1908, 1919 và 1933 thêm một lần nữa khẳng định Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa.
Đó là Atlas Trung Quốc địa đồ: xuất bản năm 1908, bằng tiếng Anh; Atlas Trung Hoa bưu chính địa đồ, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919, in bằng ba thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp; Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933, in bằng ba thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp.
Mảng tư liệu của Việt Nam, được nhấn mạnh với thư tịch, bản đồ có tài liệu và tính chất chính thức của nhà nước như châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ hay ghi chép khách quan của những quan chức, viên chức, học giải đang thực thi công vụ.
Trao đổi với báo chí tại cuộc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết: "Đây là thông điệp để gửi tới các nước trên thế giới và Trung Quốc rằng Việt Nam từ thời xa xưa đã phát hiện, khai thác và có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này và sẽ thực thi chủ quyền một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế".
Thứ trưởng Doãn cũng cho biết thêm, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu và tổ chức nhiều hơn những cuộc triển lãm về chủ quyền biển đảo ở trong và ngoài nước.
Đảo An Bang, Trường Sa nhìn từ trên cao |
"Đây là những tư liệu cực kỳ quý giá và mang giá trị lịch sử, chính trị quan trọng, cho thấy việc Trung Quốc đòi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa là rất phi lý", Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, nhận định.
Theo Tiến sĩ Diến, một học giả khá nổi tiếng về các vấn đề ở Biển Đông là giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia khi xem các tư liệu về chủ quyền Việt Nam cũng khẳng định: "Người Trung Quốc tự mâu thuẫn với chính mình khi đòi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa. Rõ ràng từ thời xưa, Trung Quốc không có bất cứ chủ quyền nào tại hai quần đảo này".
Triển lãm còn trưng bày các nhóm tư liệu chính như phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.
Tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay.
Bên cạnh đó là một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây cũng được mang tới triển lãm.
Huyền Lê
Bình luận