Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019, thực hiện theo đúng Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền,
Theo đó, mục tiêu cụ thể đó là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Thời gian thực hiện kế hoạch là từ 01/01/2019 đến hết 25/3/2019, áp dụng trên phạm vi cả nước.
Trước đó, nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019.
Do lượng lớn thực phẩm sẽ được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…
Cũng theo Cục ATTP, từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm. Trong 10 tháng qua, Cục ATTP đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về ATTP.
Bình luận