Theo BS Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, khi thấy trẻ bị sốt cao, các gia đình cần để trẻ ở nơi thoáng khí, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Nếu thân nhiệt của trẻ không quá 38°C, cần bỏ bớt quần áo, không đắp chăn, chỉ mặc quần áo mỏng cho trẻ và theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, cứ khoảng 1 giờ đo 1 lần.
Nếu thân nhiệt của trẻ khoảng 38 - 38,5°C có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp sau: bỏ bớt quần áo, dùng phương pháp hạ sốt vật lý (chườm mát - lau người cho trẻ) và hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).
Phương pháp chườm là dùng khăn bông mềm, sạch, nhúng vào chậu nước, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp mình trẻ, nhất là các vị trí như nách, bẹn, chờ bốc hơi thì lau tiếp cho tới khi thân nhiệt hạ xuống khoảng 37,5°C. Khi thân nhiệt của trẻ 38,5°C trở lên, bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữa hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng. Nếu trẻ nhỏ buồn nôn không uống được thuốc thì có thể dùng thuốc hạ sốt (thuốc viên đạn) nhét hậu môn.
Các bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là nước oresol, với trẻ còn bú thì cho bú nhiều hơn. Trẻ có tiền sử sốt cao co giật có thể cần phải cho dùng thuốc hạ sốt sớm hơn (38 độ C).
BS Trần Tiến Tùng lưu ý không mặc nhiều quần áo ấm hoặc đắp chăn khi trẻ sốt cao. Bố mẹ tuyệt đối không dùng nước đá chườm cho trẻ vì việc này khiến trẻ bị sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi. Ngoài ra, không xát chanh hay đánh gió cho trẻ, không dùng nhiều loại thuốc có chung một thành phần để hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều có thể gây ngộ độc.
Bình luận