• Zalo

Không xông hơi hay tự ý dùng thuốc kháng virus cho trẻ sơ sinh

Tư vấnThứ Ba, 29/03/2022 12:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Y tế lưu ý tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh, không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ khi chưa có chỉ định, kê đơn.

Trong "Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19" của Bộ Y tế, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C nên dùng Paracetamol với liều 10­-15 mg/kg/lần (sử dụng đường uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại. Tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày. Nếu trẻ nôn trong vòng 15 phút, có thể cho trẻ uống lại liều thay thế.

Không xông hơi hay tự ý dùng thuốc kháng virus cho trẻ sơ sinh  - 1

Dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt của trẻ trên 38,5°C. (Ảnh minh họa)

Trường hợp trẻ ngạt mũi, người lớn nên sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorua 0,9% nhỏ mũi 2-3 giọt mỗi bên mũi khi trẻ có dấu hiệu ngạt mũi và khó ngậm bắt vú. Người lớn nên ủ ấm lọ nước muối sinh lý trước khi nhỏ mũi trẻ.

Bộ Y tế lưu ý tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào, không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm,... cho trẻ sơ sinh khi chưa có chỉ định, kê đơn.

Cũng theo hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh cần theo dõi dấu hiệu toàn trạng của trẻ: tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu; đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày (thân nhiệt bình thường của trẻ là từ 36,5 đến 37,5°C); đếm nhịp thở và đo SpO2 (nếu có máy) 2 lần/ngày.

Các máy đo SpO2 được dùng cho người lớn có thể không đo chính xác ở trẻ sơ sinh, do đó phải kết hợp theo dõi các dấu hiệu toàn trạng của trẻ. Đồng thời, người lớn phải thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

Bộ Y tế cho biết, không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.

Trong trường hợp mẹ và trẻ đều xác định mắc COVID-19, mẹ có thể duy trì việc cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi, khó bú, mẹ cần vệ sinh mũi cho trẻ trước khi bú. Trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.

Nếu chỉ có mẹ được xác định mắc COVID-19, nhân viên y tế cần tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn