Bé H.N. (4 tuổi, Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng khó thở, ho nhiều kèm nôn. Bé từng được chẩn đoán mắc hen phế quản lúc 3 tuổi. Mỗi khi thay đổi thời tiết, bé thường ho nhiều dẫn đến nôn, khó thở, phải nhập viện để thở oxy và khí dung. Bé đang được theo dõi sức khoẻ tại khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp.
Cạnh giường bé H.N là bé K.N. (10 tuổi, ở Nghệ An) cũng phải thở oxy. Trước khi vào viện, bé bị ho, tức ngực, khó thở, đặc biệt vào lúc nửa đêm cơn ho kéo dài. Năm 2022 bé từng được chẩn đoán mắc hen phế quản.
Một trường hợp khác, bé N.A (5 tuổi, học sinh mầm non, Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện triệu chứng biếng ăn, quấy khóc, mệt mỏi. Tưởng sốt virus, mẹ bé cho con nghỉ học theo dõi tại nhà, nhưng hai hôm sau phát hiện trong miệng con có vết loét lớn, không thể ăn uống kèm tiêu chảy khiến cơ thể mệt lả.
Gia đình vội vàng đưa bé N.A đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A, viêm long đường hô hấp trên.
TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải: “Do thời tiết thay đổi thất thường, trời mưa, nồm ẩm nên tỷ lệ bệnh nhi bị hen nhập viện tăng. Các bé nhập viện hầu hết trong tình trạng khó thở, phải thở oxy với biểu hiện cơn hen phế quản từ mức độ trung bình trở lên”.
Hầu hết trẻ nhập viện vì cơn hen cấp đều chưa được điều trị dự phòng đầy đủ, có trường hợp bác sĩ đã kê đơn dự phòng nhưng gia đình chưa tuân thủ. Có trường hợp trẻ mới chỉ được gia đình đưa đi khám các phòng khám, chưa được thăm dò về chức năng hô hấp, các test dị ứng nên chưa được chẩn đoán xác định là hen và điều trị dự phòng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, với bệnh nhi mắc bệnh hen, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ giúp kiểm soát tốt nền viêm mãn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc của đường thở cũng như các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: ăn uống, học tập, vui chơi, thể dục thể thao của trẻ.
“Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp. Đặc biệt khi trẻ có những thay đổi nhỏ như đi bơi, sinh hoạt ngoại khoá, hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết, môi trường sống thì có nguy cơ mắc cơn hen cấp nặng. Bệnh hen phế quản không kiểm soát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”, bác sĩ Chi cảnh báo.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nguyên nhân việc số trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, cúm mùa, virus xu hướng gia tăng do thành phố đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang hè, nhiều loại virus dễ nảy sinh, phát tán.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ trong một tuần qua, Thủ đô ghi nhận 80 ca mắc tay chân miệng, tăng mạnh so với tuần trước đó (50 ca). Tổng từ đầu năm đến nay có 378 ca mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo chuyên gia Nhi khoa, trẻ em thường có sức đề kháng yếu, khả năng tự nhận thức bảo vệ bản thân chưa có nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ bị bệnh cần đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn.
Bà Vũ Thi Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đối với COVID-19, theo khuyến cáo của ngành Y tế và qua kiểm tra thực tế, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai cần phải đặc biệt quan tâm. Với nhóm đối tượng này, nếu nhiễm COVID-19, bệnh có khả năng diễn biến nặng cao hơn.
Không chỉ COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm…cũng có nguy cơ gia tăng, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới với thời gian nghỉ dài, diễn ra nhiều hoạt động tập trung đông người.
Bình luận