• Zalo

Trao nhầm con ở Hà Nội: Rất dễ nhầm con nếu mẹ nhập viện cấp cứu phải gây mê lập tức

Sức khỏeThứ Tư, 18/07/2018 07:35:00 +07:00Google News

Trường hợp dễ xảy ra nhầm lẫn, trao nhầm con cho sản phụ nhất là khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải cấp cứu và gây mê ngay lập tức.

Sai sót của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trong quá trình trao nhận trẻ sơ sinh 6 năm về trước, mới được báo chí đưa tin gần đây, khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng, khi bước vào phòng hộ sinh. Họ sợ sự nhầm lẫn cũng xảy ra với mình, vì khi nằm trên bàn đẻ chỉ có thể gửi gắm niềm tin với các y bác sĩ ca sinh.

Chiều 17/7, chia sẻ với PV VTC News, Ths. BS Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người quản lý và cũng là người trực tiếp đỡ đẻ, mổ đẻ cho rất nhiều sản phụ trong những năm qua, cho biết: "Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có từ 35 - 40 nghìn ca sinh nở. Tức là, mỗi ngày có khoảng 100 đứa trẻ chào đời. Bởi vậy, nếu không áp dụng quy trình nghiêm ngặt thì việc trao nhầm trẻ sơ sinh sẽ gây ra những hậu quả khôn lường".

1 (7)

 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một quy trình - hàng rào an ninh nghiêm ngặt, thậm chí có hàng rào thứ 2 để đảm bảo chặt chẽ và an toàn, toàn diện tới mức tối đa, tránh gây ra nhầm lẫn và sự cố đáng tiếc. (Ảnh: Phạm Qúy)

"Trường hợp dễ xảy ra nhầm lẫn trao nhầm con cho sản phụ nhất là khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải cấp cứu và gây mê ngay lập tức.

Nghĩa là, trong trường hợp người mẹ bị sốc phản vệ, yêu cầu phải gây mê mổ nhanh để cứu mẹ và con, lúc đó, tình huống khẩn cấp có thể nữ hộ sinh chưa theo kịp cấp cứu cùng bác sĩ, không may nếu nữ hộ sinh ghi sai thông tin mà bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên quá vội không đọc lại, còn người mẹ trong tình trạng mê man không thể nhìn được vòng nhận diện thì có khả năng sẽ bị nhầm.

Những điều đó chỉ là giải thiết, hy hữu, vì dù có trong tình huống cấp cứu, bộ phận đón bé của ca đó cũng chỉ thực hiện đón được một em bé. Cả ca trực cùng tập trung riêng cho trường hợp cấp cứu nên không thể nào lẫn với một em bé thứ 2 vào phòng được", bác sĩ Khải nói.

Cũng theo bác sĩ Khải, các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một quy trình - hàng rào an ninh nghiêm ngặt ,thậm chí có hàng rào thứ 2 để đảm bảo chặt chẽ an toàn, toàn diện tới mức tối đa, tránh gây ra nhầm lẫn và sự cố đáng tiếc.

Bất cứ bệnh nhân nào vào viện, bệnh viện đều dùng dây bấm cố định bằng nhựa mềm theo cặp mẹ con, trên dây bấm ghi đầy đủ họ tên mẹ, năm sinh, họ tên con, mã số thứ tự sinh của con, bằng loại bút mực không trôi khi gặp nước để tránh nhầm lẫn.

Ngay sau khi trẻ chào đời, điều dưỡng bắt đầu điền các thông tin trên thẻ theo hồ sơ bệnh án. Điền đầy đủ thông tin điều dưỡng tách thẻ thành 2, một thẻ bấm vào tay mẹ, thẻ còn lại bấm vào chân con, người mẹ sẽ kiểm tra lại thông tin lần cuối để chắc chắn rằng mọi thông tin trên thẻ đều chính xác.

Video: Bệnh viện làm thế nào để tránh trao nhầm con cho sản phụ?

Tuy nhiên, việc này không dừng lại tại đó, chiếc vòng nhận diện ban đầu trước khi tới sản phụ còn phải được đảm bảo xác nhận của 3 người đó là: Phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê và nữ hộ sinh, họ sẽ là những hàng rào giúp rà soát, quản lý chắc chắn không có việc nhầm lẫn trong mọi ca sinh nở.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này bằng cách trong bất cứ ca sinh nào, nữ hộ sinh phải đọc to rõ ràng cho cả phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê nghe, biết đầy đủ thông tin trên thẻ để xác nhận lại thông tin của mẹ con sản phụ cho chính xác.

Thực tế, có nhiều trường hợp phải cấp cứu khẩn cấp như vậy, nhưng với tường rào bảo vệ nhiều công đoạn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội suốt nhiều năm đều làm tốt, không để bất cứ một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”, bác sĩ Khải nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn