Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trước khi trình Chính phủ ban hành. Đây là sự cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đáng chú ý, trong dự thảo nghị định nêu rõ: Trường hợp thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể theo quy định.
Trường hợp lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm...
Đánh giá khách quan, công tâm để khen - chê kịp thời
Theo PGS.TS Bùi Văn Bôn, nguyên Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương, một vấn đề mới, cách làm mới luôn gặp phải lực cản từ tư duy bảo thủ, giáo điều. Đã có những bài học từ việc cán bộ "xé rào", đề xuất ý tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách pháp luật nhưng gặp không ít rào cản bởi chính tư duy áp đặt, cảm tính nên việc đổi mới không phải ngay từ đầu được chấp nhận, thậm chí cán bộ phải chịu kỷ luật. Vì vậy, dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ được nhiều người kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho những cán bộ có tư duy sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm.
“Thực tế không ai khẳng định các ý tưởng đột phá, sáng tạo sẽ thành công 100%, mà có những rủi ro nhất định. Vì vậy, để khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, cấp ủy, người đứng đầu cần đánh giá khách quan, công tâm những ý tưởng đổi mới của họ, nhất là những lúc ý tưởng đó chưa thành công, tránh tư tưởng hẹp hòi, quy chụp chủ quan.
Trên cơ sở đánh giá đúng, khách quan, cấp ủy, người đứng đầu cũng nên động viên, khen thưởng kịp thời, kể cả tinh thần và vật chất, thậm chí cất nhắc, bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu họ làm tốt. Tránh tình trạng làm tốt thì không sao, nhưng khi thất bại tạm thời, hoặc không thành công thì trù dập, thậm chí kỷ luật thì sẽ làm thui chột sự năng động, sáng tạo của cán bộ”, ông Bùi Đình Bôn cho biết.
Theo đó, muốn bảo vệ cán bộ, cần xác định rõ động cơ thực hiện công việc của họ. Nếu động cơ vì nước, vì dân cần cơ chế, chính sách bảo vệ họ một cách thỏa đáng. Còn nếu trong quá trình cán bộ làm nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, song việc đó vì lợi ích chung, không có tư lợi thì có thể không xem xét kỷ luật.
Tuy nhiên một điều hết sức quan trọng là phải phân biệt rõ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung với những người “núp bóng” chủ trương này để thực hiện mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Khi phân biệt rõ thì cần kỷ luật nghiêm minh, kể cả kỷ luật về mặt Đảng, xử lý hình sự những người lợi dụng chủ trương để mưu cầu lợi ích riêng.
GS.TS Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, không ai dám đảm bảo đề xuất “xé rào” sẽ thành công tuyệt đối ngay từ đầu. Vì vậy, cán bộ có thể thử, có thể sai và chấp nhận việc này mà không phải chịu hệ lụy tiêu cực về bản thân, sự nghiệp nếu đề xuất đó vì lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc.
Sự đồng hành của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng
Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo được hiểu là người có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Để bảo vệ cán bộ, theo ông Bùi Đình Bôn, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải là những người tạo điều kiện, thúc đẩy cho đổi mới, sáng tạo. Bởi trong thực tế không phải thủ trưởng nào cũng muốn nghe những điều không đúng ý mình, thậm chí họ sợ trách nhiệm, sợ bị liên lụy nên cản trở, không ủng hộ, đẩy cán bộ về con đường mòn, làm y như cũ. Không chỉ cá nhân lãnh đạo mà có khi cả tập thể vì chủ nghĩa thành tích, sợ trách nhiệm, sợ liên đới, sợ mất thi đua nên không dám khuyến khích sự đổi mới. Họ hành động theo kiểu vo trò, làm theo nếp cũ khiến công việc cứ đều đều, làng nhàng mà không có sự bứt phá.
Do đó, nội dung đổi mới, sáng tạo của cán bộ có được triển khai thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. Về trình tự, theo dự thảo nghị định, cán bộ muốn thực hiện sáng kiến đột phá phải báo cáo người đứng đầu trực tiếp. Người đứng đầu sẽ có thời hạn 10 ngày để trả lời việc cho thực hiện, thực hiện thí điểm hoặc không thực hiện đề xuất đó. Nếu đề xuất sáng tạo thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan cấp trên thì trong vòng 5 ngày, lãnh đạo quản lý trực tiếp phải báo cáo cấp trên hoặc để cán bộ đề xuất được trực tiếp trình bày với cấp trên.
Trong trường hợp ban lãnh đạo đơn vị không đồng ý thông qua thì người đứng đầu vẫn có thể cho triển khai đề xuất và chịu mọi trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật về quyết định của mình.
Theo ông Bùi Đình Bôn, sự đồng hành của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cán bộ cấp dưới thêm động lực, vững tin hơn, cảm thấy không bị đơn độc trên hành trình chinh phục cái mới. “Bên cạnh việc động viên, khuyến khích cấp dưới và đánh giá khách quan, đúng đắn những mặt thành công, mặt hạn chế của họ thì cấp ủy, người đứng đầu đó cũng phải có tư tưởng đổi mới, sáng tạo thì mới có thể khuyến khích cấp dưới làm được. Vì một khi lãnh đạo không có tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cấp dưới khó có thể phát huy được”, ông Bùi Đình Bôn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, để tránh những sai sót có thể xảy ra, bài học kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, khi có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, người đứng đầu đơn vị cần báo cáo với cấp trên. Quá trình triển khai đề xuất đổi mới cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên; chủ động xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với những ý tưởng, cách làm còn gây tranh cãi. Khi những vướng mắc, bất cập, hay những kết quả chuyển biến rõ rệt trong quá trình triển khai ý tưởng được cấp trên và cấp dưới cùng nhìn thấy rõ sẽ giúp người đứng đầu yên tâm hơn đối với quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm của họ.
Bình luận