• Zalo

Tranh thủ xuất khẩu gạo nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Thị trườngThứ Sáu, 04/08/2023 12:57:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cần tranh thủ xuất khẩu gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Sáng 4/8, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 3 mục tiêu trong điều hành giá gạo. Đó là tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo, mở rộng thị trường; đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần tranh thủ xuất khẩu gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần tranh thủ xuất khẩu gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Theo ông Diên, hiện nay, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, liên Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính, đến tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58% tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 534 USD tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo về giá gạo xuất khẩu, quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.

Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 535 USD/tấn vào tháng 5/2023. Việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati vào ngày 20/7 là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh.

Đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80USD so với tháng trước; thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Đối với gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Tuy nhiên, do có độ trễ so với gạo Thái Lan, mức tăng giá của gạo Việt Nam diễn ra chậm. So với ngày 20/7, giá gạo Thái Lan tăng gần 60 USD/tấn trong khi giá gạo Việt Nam mới tăng có 25 USD/tấn. Đến ngày 1/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% và tiến gần hơn so với giá gạo Thái Lan.

Từ nay đến cuối năm, nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu hơn 15,1 triệu tấn, tương đương 7,5 triệu tấn gạo.

Về việc cân đối xuất khẩu gạo, ông Trần Duy Đông đánh giá, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn, chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia và Ấn Độ về để phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn trong nước. Tuy nhiên, hiện nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ không còn sau lệnh cấm nên khả năng phải bù đắp từ nguồn trong nước.

Tính đến tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58% tỷ USD, tăng 18,7% về lượng.

Tính đến tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58% tỷ USD, tăng 18,7% về lượng.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - khẳng định, sản lượng lúa gạo trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng. "Có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi", ông Cường nói.

Theo ông Cường, giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu, một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Từ đó, các địa phương đề cần có các chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu, có đầu tư kho chứa, nâng cấp, cải thiện dây chuyển máy móc sản xuất.

Trong đó, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn