• Zalo

Lãnh đạo Cục Trồng trọt: 'Nguồn hàng lúa gạo trong nước vẫn dồi dào'

Thị trườngThứ Ba, 08/08/2023 07:37:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định hiện nguồn hàng lúa gạo trong nước vẫn giữ được mức ổn định, dồi dào.

Trả lời VTC News về thông tin nhiều ý kiến cho rằng nguồn cung gạo trong nước có dấu hiệu khan hiếm, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) khẳng định, nguồn cung gạo hiện nay vẫn dồi dào ở các vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Nam Trung Bộ, Thái Bình, trung du miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Lý giải về các khó khăn trong công tác thu mua gạo của các doanh nghiệp, theo ông Cường là do không có liên kết vùng sản xuất. “Nếu doanh nghiệp có vùng liên kết sản xuất thì sẽ ổn ngay. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu mà không có vùng nguyên liệu sẽ rất khó khăn khi tăng lượng thu mua. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tạo liên kết vùng nguyên liệu để đảm bảo phát triển bền vững ngành lúa gạo, hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Vẫn theo ông Cường, một vấn đề khó nữa với doanh nghiệp hiện nay là “có thể thiếu tiền mua và không dám mua vào thời điểm này do giá tăng cao, chứ không phải là nguồn hàng thiếu".

Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng mạnh. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 4/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã lên mức 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Theo đánh giá, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt: 'Nguồn hàng lúa gạo trong nước vẫn dồi dào' - 1

 

Trước tình trạng giá gạo tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu khó và cho rằng, chỉ dám mua cầm chừng vì giá gạo có thể “tăng ảo” rồi có thể đột ngột hạ giá bất cứ lúc nào.

Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là việc giá gạo không ngừng leo thang và điều này có thể dẫn đến “giá ảo”. Nếu tiếp tục thu mua với số lượng lớn, doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại không kịp “trở tay” khi giá đi xuống.

Trên thị trường bán lẻ, khảo sát của VTC News cho thấy, giá gạo ở các siêu thị và chợ dân sinh Hà Nội cũng đã tăng mạnh trong 2 tuần qua. Theo một chủ đại lý gạo ở chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), giá gạo nhập ở thời điểm hiện tại đã tăng từ 10-15%, loại nào cũng tăng giá. Các loại gạo cao cấp như ST25 hay gạo thơm nàng hương đã tăng ở mức từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Mức tăng này được đánh giá là “thấp” trong bối cảnh hiện nay. Trong khi các loại gạo rẻ hơn lại có mức tăng cao hơn do đây là sản phẩm gạo trọng yếu về xuất khẩu.

Giá gạo bán lẻ tại một đại lý ở Hà Nội ngày 7/8. (Ảnh: Công Hiếu)

Giá gạo bán lẻ tại một đại lý ở Hà Nội ngày 7/8. (Ảnh: Công Hiếu)

Trước tình hình giá gạo tăng "nóng", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi, đẩy giá lúa gạo lên cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.

Tại văn bản hỏa tốc ngày 3/8 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký, Bộ Công Thương cho hay trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn