• Zalo

Tranh luận gay gắt quanh ý kiến giảm lương công, viên chức dịp COVID-19

Ý kiếnThứ Bảy, 18/04/2020 11:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước đề xuất nên giảm lương của công, viên chức nhằm hỗ trợ đất nước vượt qua mùa dịch COVID-19, nhiều độc giả VTC News tranh luận gay gắt, bày tỏ ý kiến đa chiều.

Sau khi ý kiến Sao doanh nghiệp giảm lương người lao động mà cán bộ, công chức lại không? được nêu ra, độc giả VTC News đã ồ ạt gửi hàng trăm comment tranh luận gay gắt về vấn đề này. 

Có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm nêu trên, họ cho rằng nhiều tỉnh, thành phố cần phải học tập TP.HCM khi có quyết định cắt giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ, công, viên chức để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Nhiều người cũng khẳng định cần nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong thời buổi khó khăn, lao đao vì dịch bệnh như hiện nay.

Bạn đọc Lê Lê từ Đăk Lăk bày tỏ đồng tình cao: "Tôi ủng hộ ý kiến trên. Nên cắt giảm tư 10 đến 15% để ủng hộ kinh phí chống dịch Covid-19".

Bạn đọc Hanoi viết: "Trung ương nên có chỉ đạo thống nhất trên tinh thần lá lành đùm lá rách. Chỉ thấy các nhà hảo tâm là những doanh nghiệp và những người buôn bán nhỏ làm từ thiện, không thấy bóng dáng công chức đâu cả".

Hưng Phạm nói: "Đồng tình quan điểm trên, công nhân chúng tôi đi làm mất việc, giảm ngày làm, nghỉ là không có lương. Rất nhiều công nhân cả nước vậy tại sao các cán bộ nhà nước luôn được hưởng nguyên lương, lại còn được nghỉ thứ 7, lương trung bình lại cao gấp đôi công nhân chúng tôi trở lên nữa. Bất công quá!".

Nguyen Thanh Phuong bình luận: "Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này. Ví dụ như các trường bồi dưỡng, đào tạo từ khi có dịch đến nay họ nghỉ làm mà vẫn nhận lương 100/100". 

Đức Huy viết: "Theo tôi năm nay không tăng lương cơ bản lên 1600 nữa. Tôi là viên chức nhà nước nhưng thấy nên hoãn tăng lương năm 2020. Vì sang năm cũng thực hiện lương mới theo vị trí việc làm. Tiền tăng lương cho công chức viên chức nên dành để hỗ trợ nền kinh tế và người lao động khác".

Trịnh Tùng đồng tình quan điểm: "Tôi là một viên chức nhà nước (giảng viên đại học) đề nghị Nhà nước không tăng lương cơ bản năm nay (dự kiến từ 1/7/2020) để chờ sang năm thực hiện lương mới. Số tiền đó dành thêm hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị Đảng và toàn dân tiếp tục chiến đấu với tham nhũng và lãng phí mạnh mẽ hơn nữa".

Một số ý kiến khác cho rằng, họ đồng ý với quan điểm nên giảm lương một số bộ phận cán bộ, công viên chức. Đó là các lãnh đạo (từ phó phòng trở lên) ở các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan lập pháp nên tự nguyện giảm lương hỗ trợ đất nước lúc khó khăn. Còn các vị trí như công an, bộ đội, y bác sĩ và các ban ngành trực tiếp, gián tiếp chống dịch thì không nên giảm mà còn cần tăng thêm lương cho họ.

Tranh luận gay gắt quanh ý kiến giảm lương công, viên chức dịp COVID-19 - 1

Hàng triệu lao động bị cắt giảm lương, mất việc do ảnh hưởng của COVID-19. (Ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến trái chiều được độc giả gửi về VTC News.

Họ cho rằng việc buộc các tỉnh thành khác làm theo TP.HCM là vô lý, bởi duy nhất thành phố này có hệ số thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công, viên chức. Bên cạnh đó, lương cán bộ, nhân viên chức vốn từ xưa đến nay đều thuộc hạng "ba cọc, ba đồng", không thể so sánh với lương các doanh nghiệp tư nhân.

Độc giả địa chỉ email [email protected] bình luận: "TP.HCM là địa phương duy nhất có chính sách tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức nên trong hoàn cảnh này phải điều chỉnh giảm là đúng thôi. Còn các địa phương khác cán bộ, công chức chỉ được hưởng chế độ theo quy định của Chính phủ và đã vận động mỗi cán bộ, công chức ủng hộ một ngày lương rồi ạ".

Nguyen Huan nói: "Cả đời tôi công chức không được một đồng thưởng, từ khi có dịch COVID-19 đến giờ tôi phải trực, ngủ rừng chống dịch không về. Tất cả hệ thống chính trị vất vả làm việc liên lục không có ngày nghỉ. Vậy sao lại không nghĩ cho chúng tôi nhỉ?".

Cán bộ, công chức có nên cắt giảm thu nhập để chung tay chống dịch COVID-19?

Hồ Văn Long cho biết: "TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù lương tăng thêm tức là ví dụ họ đang có hệ số lương 3,0 thì sẽ được áp dụng tăng thêm 120% nữa thành 220% lương của hệ số 3,0. Còn Hà Nội không áp dụng cơ chế tăng đó. Thực tế TP.HCM giảm là giảm phần lương được tăng thêm tức đang được tăng thêm 120% lương thì chỉ được tăng thêm 60% nữa tức vẫn được 160% lương của hệ số đang hưởng. Bạn phải tìm hiểu kỹ vấn đề khi đưa ra ý kiến chứ".

Kim Pham viết: "Bạn độc giả đòi cắt giảm lương công chức, viên chức có biết lao động trong các doanh nghiệp bình thường lương họ cao gấp bao nhiêu lần công chức, viên chức nhà nước không?

Họ có lương tháng 13 suốt các năm trong đời công nhân, còn viên chức nhà nước chẳng bao giờ có lương tháng 13, chẳng có tăng ca để kiếm thêm như công nhân. Lương ba cọc ba đồng chịu nhiều trượt giá của thị trường. Mặt khác họ đóng góp một ngày lương cho dịch COVID-19 rồi bạn!".

Tranh luận gay gắt quanh ý kiến giảm lương công, viên chức dịp COVID-19 - 2

(Ảnh minh hoạ)

Nhung Trần bức xúc: "Lương cán bộ công viên chức lương ba cọc ba đồng, dịch các bạn được nghỉ nhưng chúng tôi vẫn phải đi làm đi trực hàng ngày, chỗ làm cách nhà mấy 2-3 chục km vậy ai chi trả xăng xe ăn uống cho chúng tôi? Chúng tôi vẫn ủng hộ tiền lương của mình để quyên góp chống dịch COVID-19 nhé! Lương các doanh nghiệp giao động từ 7-9 triệu/ tháng còn lương chúng tôi chỉ có được 4-5 triệu thôi ạ!".

Vũ Bích Ngọc nêu quan điểm: "So sánh khập khiễng. Tính chất công việc khác nhau, quy mô làm việc khác nhau, thái độ và trách nhiệm trong công việc khác nhau, tuyển dụng, trình độ khác nhau, hưởng lợi khác nhau.....nhiều cái khác nữa".

Ba Ếch viết: "Sự so sánh không thực tế, tôi là người nông dân nhưng tôi không đồng ý với quan điểm trên. Các đồng chí công an, bộ đội, y bác sĩ... họ đã hy sinh thầm lặng như thế nào trong công cuộc chống dịch này. Có ai thấu hiểu được không?".

Phạm Lương phản ứng: "Lương cán bộ, công chức, viên chức so với lương công nhân viên của doanh nghiệp rất thấp. Công nhân viên không có nguyên liệu làm thì được nghỉ, còn cán bộ công chức không được nghỉ ngày nào cả, công việc còn nhiều hơn cả khi không có dịch bệnh. Công nhân doanh nghiệp là một trong những trường hợp được hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ. Còn cán bộ công chức cũng là người đi làm thì không".

Hà Văn chia sẻ: "Từ Tết đến giờ mình chưa được nghỉ ngày thứ 7 hay chủ nhật nào. Có hôm đi làm đến đến 12h đêm để thực hiện phòng chống dịch, còn làm đến 8h tối là bình thường. Thế mà cắt giảm lương thì sống bằng gì? Công chức là vất vả vậy đó".

Duyen Doan nêu ý kiến: "Công nhân họ làm ăn sản phẩm, họ không làm thì cắt giảm bớt. Còn cán bộ, công chức thì vẫn phải đi làm đều mà việc thì còn nhiều hơn bình thường vì phải lo chống dịch, lo chính sách an sinh xã hội.

Còn bậc lương cơ bản công nhân rất cao gấp đôi cán bộ, công chức nhà nước. Nếu giảm lấy tiền đâu đủ ăn uống, xăng xe, con cái cho gia đình, do lương cơ sở của công nhân cũng cao hơn lương cán bộ, công chức ở các xã huyện, lương cơ sở hiện chỉ mới 1 triệu 490 nghìn, còn công nhân tới hơn 3 triệu luôn".

Độc giả có đồng tình với hướng quan điểm nào? Hãy gửi thêm ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn