• Zalo

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Luật sư đề nghị tuyên vô hiệu hợp đồng

Pháp đìnhChủ Nhật, 22/11/2020 21:12:00 +07:00Google News

Tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện Công ty Khai Phát và bà Trần Kim Phương khẳng định không có việc mua bán 1/2 cơ sở vật chất trên lô TH1 với trường Newton.

Mới đây, TAND TP Hà Nội diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp trường TH - THCS Pascal giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (Công ty TDS) và trường THCS-THPT Newton (đơn vị quản lý trường TH-THCS Pascal).

Trong vụ án này, nguyên đơn là Công ty TDS (do bà Trần Kim Phương đại diện) khởi kiện, yêu cầu bị đơn là trường THCS-THPT Newton (do bà Lê Thị Bích Dung là đại diện) thực hiện hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 3/11/2016 và phụ lục hợp đồng số 01 ngày 19/1/2017.

Trong vụ án này, nguyên đơn là bà Trần Kim Phương (đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS) và bị đơn là bà Lê Thị Bích Dung (đại diện trường THCS-THPT Newton). Bà Phương có đơn kháng cáo toàn bộ bản án cấp sơ thẩm.

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Luật sư đề nghị tuyên vô hiệu hợp đồng - 1

Trường THCS - THPT Newton.

Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện Công ty TDS yêu cầu Tòa án xét xử nội dung thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua  thiết bị trường học theo văn bản thoả thuận giữa Công ty TDS và bà Lê Thị Bích Dung (đại diện trường THCS-THPT Newton).

Đồng thời, công ty này yêu cầu bà Dung trả hóa đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2 tỷ đồng), theo biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/5/2018.

Sau 2 buổi xét xử vào hồi tháng 8 vừa qua, đại diện VKSND tại phiên phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu trường THCS-THPT Newton trả lại hóa đơn giá trị gia tăng và thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo bảng kê ngày 31/5/2018 với biên bản bàn giao nhận thực tế ngày 18/7/2018 của Công ty TNHH Khai Phát tại ngân hàng là có cơ sở.

Liên quan đến vụ án, luật sư Đỗ Anh Thắng – Giám đốc Công ty Luật ASEM Việt Nam cho hay, vụ án tranh chấp này đã kéo dài hơn 2 năm và chưa được giải quyết xong khiến hàng nghìn học sinh rơi vào cảnh không có chỗ học, trong khi cơ sở vật chất hàng chục tỷ đồng bị “bỏ hoang”.

Theo vị luật sư này, trường TH-THCS Pascal hoạt động trên lô TH1 (địa chỉ tại khu đô thị mới cổ nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) là phù hợp với mục đích sử dụng đất được thể hiện tại Giấy chứng nhận đầu tư được UBND TP Hà Nội cấp năm 2011.

Đối với 1/2 cơ sở vật chất trên lô TH1 mà Trường Pascal trước đây sử dụng phục vụ vào hoạt động giảng dạy mà hiện nay bà Trần Kim Phương đang khẳng định đây là tài sản của Công ty TNHH Khai Phát (do bà Phương là giám đốc) là không có có căn cứ.

Toàn bộ 1/2 cơ sở vật chất này là trường THCS-THPT Newton bỏ tiền ra đầu tư xây dựng và không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh trường THCS-THPT Newton chuyển nhượng,bán 1/2 cơ sở vật chất trên cho Công ty Khai Phát cả.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện Công ty Khai Phát cũng như bà Trần Kim Phương đều khẳng định hoàn toàn không có việc mua bán 1/2 cơ sở vật chất trên lô TH1 với trường Newton.

Đại diện công ty Khai Phát khẳng định giữa Công ty Khai Phát và trường Newton đã ký hợp đồng ủy quyền huy động vốn (nghĩa là trường Newton tự huy động vốn sau đó xây dựng rồi Công ty Khai Phát trả tiền).

"Tuy nhiên, Hợp đồng ủy quyền huy động vốn này là hợp đồng giả tạo nhằm tránh việc nộp thuế VAT theo đề nghị của bà Trần Kim Phương và được ký lùi ngày, trường Newton cũng không nhận tiền từ Công ty Khai Phát để thực hiện việc mua bán cơ sở vật chất này", luật sư Đỗ Anh Thắng nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty Luật ASEM Việt Nam nhận định, như vậy cho thấy 1/2 cơ sở vật chất trên lô TH1 do trường Newton đầu tư xây dựng là tài sản hợp pháp của trường Newton.

Việc đại diện trường Newton bị ép ký hàng loạt các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ủy quyền huy động vốn là trái quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 và thuộc một trong các trường hợp Hợp đồng vô hiệu quy định tại các điều 124, Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.

Hữu Quang
Bình luận
vtcnews.vn