• Zalo

Tranh cãi quanh cơ ngơi đồ sộ của ông Trần Văn Truyền

Thời sựThứ Năm, 27/02/2014 07:18:00 +07:00Google News

(VTC News) - Câu chuyện xoay quanh cơ ngơi đồ sộ của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ thu hút sự quan tâm của dư luận nhưng sự thật về dinh thự này thế nào hiện chưa thể kết luận chính xác.

Gần đây, báo chí và các trang mạng xã hội xôn xao bàn tán về cơ ngơi đồ sộ của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre.
Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 3 héc-ta tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 30.000 m2 tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Báo Người cao tuổi
Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng.
Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng. Ảnh: Báo Người cao tuổi
Một “dự án gia đình” tọa trên lô đất chừng 30.000m2 với 1 biệt thự hoành tráng, 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ không dùng đến một cái đinh sắt… là những thông tin được khởi nguồn từ báo Người cao tuổi.
Một góc dinh thự chính.
Một góc dinh thự chính. Ảnh: Báo Người cao tuổi
Căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre rộng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội VHNT tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre rộng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội VHNT tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê. Ảnh: Báo Người cao tuổi
Tờ báo trích lời một cán bộ ở Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre cho biết, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị nhiều tỷ đồng…
Người trong cuộc nói gì?
Ngày 26/2, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, ông sẵn sàng cung cấp các thông tin về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh, làm rõ…

Nói về ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, ông Truyền thừa nhận đây là nhà của mình nhưng xây cất trên diện tích đất mà người con trai đã bỏ tiền mua từ trước đó. “Đất này vốn là ruộng phèn, trũng thấp, con trai tôi mua lại của nhiều hộ dân kề cận mới có được tổng diện hơn 16.000 m2 chứ không phải như một số tờ báo nêu trên 30.000 m2”, ông Truyền cho biết.

Theo lời ông Truyền, sau khi nghỉ hưu, ông về khu đất này, thuê người đào mương, lên liếp lập vườn… và quyết định dựng một ngôi nhà để cả gia đình cùng cư ngụ.

Ông Truyền khẳng định tiền xây dựng nên ngôi nhà này, một phần là tiền của tích cóp của gia đình ông bấy lâu nay, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch… Trong số đó có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt.
Lý giải về sự nhiệt tình giúp đỡ này, ông Truyền cho biết trước đây mẹ nuôi của ông ở quận 9 có làm giấy cho mỗi người một lô đất cất nhà để ở nhưng không cho bán (cái này có di chúc đàng hoàng). Cô em này cũng góp vốn giúp ông cất nhà.
“Giờ tôi xây nhà ở đây, cô em gái nuôi mở lời giúp. Sau này, nếu tôi muốn ở căn nhà ở quận 9 (TP.HCM) thì sẽ trả lại phần tiền đã mượn. Còn nếu tôi không có nhu cầu ở thì giao cho cô ấy, bù lại cô em nuôi chi tiền nong để giúp tôi xây nhà ở Bến Tre”, ông Truyền cho biết.

Về thông tin bốn căn nhà gỗ được cho là dựng lên từ loại gỗ thuộc nhóm đặc biệt (không cần dùng đinh sắt nào) bên trong khuôn viên dinh thự này, ông Truyền cho hay đúng là có thêm một số gian nhà cổ thiết kế bằng gỗ xưa trong khuôn viên ngôi nhà này. Trong đó có gian nhà cổ đang dùng để làm nơi thờ tự khang trang, do cô em gái thân quen mua ở Quảng Nam và thuê thợ từ ngoài đó về dựng lại.

Về chiếc giường ngủ của vợ chồng ông được cho là có giá trị hàng tỷ đồng, ông Truyền khẳng định không có chuyện chiếc giường ngủ của vợ chồng ông trị giá hàng tỷ đồng như báo chí nêu. Tất cả giường tủ, bàn ghế để nơi thờ tự, trong nhà là do tôi mua sắm từ trước đó, cụ thể là mua ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. Họ làm theo lối giả cổ chứ không phải là đồ cổ thật sự đâu mà đắt giá.

"Tôi khẳng định bản thân tôi và những người thân không có những ngôi nhà, căn hộ ở các địa chỉ ở TP.HCM mà báo chí nêu ra, trừ mỗi căn nhà ở quận 9, tôi và đứa em gái nuôi góp vốn xây dựng lên trên đất của người mẹ nuôi cho tôi mà tôi nói trên đây", ông Truyền nói thêm.
Nhiều vấn đề gây tranh cãi
Trước những thông tin qua lại về số tài sản được cho là liên quan đến nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đã có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng nên vào cuộc để xác minh thông tin.
Trả lời trên báo Giáo dục xung quanh khối tài sản của ông Truyền, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X cho rằng, bất kỳ ai dù đang đương chức hoặc đã về hưu mà thấy phát sinh vấn đề không bình thường so với các quy định của Đảng và Nhà nước, nhất thiết phải xem xét.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Ông nhân xét, trong vụ của ông Truyền có thể có vấn đề. Mà vấn đề liên quan đến tài sản của một vị cựu quan chức cấp cao, làm tại nơi phụ trách việc kiểm tra tham nhũng, tiêu cực như Thanh tra Chính phủ thì các cơ quan chức năng càng phải vào cuộc gấp.
“Tôi có đọc báo thấy viết tài sản lớn quá. Cả biệt thự ở Phú Mỹ Hưng. Mà tôi vào đây rồi, nhà bình thường cũng phải trên 2 triệu đô la còn đâu toàn 4 - 5 triệu đô một căn thôi”, Tướng Thước nói.
Ông nói thêm, đọc trên báo thấy ông Truyền phát biểu hùng hồn lắm nhưng giờ có phản ánh “không tốt” về ông ấy như thế, phải kiểm tra xem có phải ông này có "nói một đằng nhưng làm một nẻo" không?
Trả lời Infonet, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, với một người có chức vụ cao trong bộ máy thanh tra Chính phủ mà “kết nghĩa” và được quà tặng có giá trị đặc biệt lớn là điều bất bình thường, có thể xem điều đó có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự.
“Nếu em kết nghĩa tặng quà với giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng hoàn toàn không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của ông Truyền thì ông Truyền vẫn phải có nghĩa vụ kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức”, luật sư Phạm Công Út nêu rõ.
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TpHCM): "Nếu “em kết nghĩa” tặng quà với giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng hoàn toàn không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của ông Truyền thì ông Truyền vẫn phải có nghĩa vụ kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức." Ảnh: Infonet
Cần nhanh chóng làm sáng tỏ
Ông Trần Văn Truyền làm Tổng thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2007 – 2011. Những năm đầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền có nhiều thay đổi trong chính sách quản lý như chỉ đạo xây dựng, ban hành các quy chế giám sát nội bộ, giám sát các đoàn thanh tra, thẩm tra các nội dung dự thảo kết luận thanh tra…
Nhờ đó, ông góp phần chấn chỉnh được tình trạng xảy ra nhiều năm trước, đó là có hiện tượng nhiều đoàn thanh tra đi làm việc, có nhiều kết luận bị đối tượng thanh tra phản ứng vì cho rằng thiếu khách quan, công tâm, góp phần ổn định tình hình dư luận trong cơ quan Thanh tra Chính phủ khi đó.
Tuy nhiên, cho đến hai năm cuối nhiệm kỳ, theo phản ánh của một số cán bộ, chuyên viên thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền cũng có những biểu hiện lơi lỏng trong quản lý, báo Sài Gòn Tiếp thị cho hay.
Theo đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giám sát khiếu nại tố cáo thời kỳ 2008 – 2011, thời kỳ những năm cuối ông Truyền làm Tổng Thanh tra Chính phủ, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, các vụ khiếu kiện đông người ngày càng tăng.
Cho đến thời điểm này, những thông tin chính xác về các dinh thự khổng lồ của ông Trần Văn Truyền vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tránh những điều tiếng không hay, cũng là để chứng minh sự trong sạch của nguyên cán bộ cấp cao, việc kiểm tra thông tin báo chí nêu về trường hợp nguyên Tổng thanh tra Chính phủ là cần thiết.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc ông Truyền cũng cần nhanh chóng kê khai tài sản một cách công khai và đúng quy định để làm căn cứ xác định tài sản thực mà ông đang sở hữu. Chỉ khi đó những tranh cãi xung quanh vụ việc này mới có thể kết thúc.

Điều 10. Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật và phải ký xác nhận; phải kê khai thu nhập trong trường hợp pháp luật có yêu cầu.
Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được, cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định tại Mục 3 Quy chế này.
Điều 11. Đối với quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình mà những người đó không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà và quà tặng từ những cơ quan, đơn vị, cá nhân không liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà thì cán bộ, công chức, viên chức được tặng quà không phải báo cáo với cơ quan, đơn vị; trong trường hợp pháp luật có yêu cầu kê khai thu nhập thì cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện kê khai theo đúng quy định.
(Trích Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg)

Bình luận
vtcnews.vn