Trà sữa là thức uống đã quá quen thuộc với giới trẻ. Dường như ai cũng biết Đài Loan là nguồn gốc phát minh ra trà sữa, thế nhưng, ít ai biết được, Mông Cổ cũng được xem là "cái nôi" của loại đồ uống đang được giới trẻ “khao khát” nhất mùa dịch này. Có thể bạn chưa biết, người dân tại vùng đất Mông Cổ quanh năm chỉ uống trà sữa, thậm chí thức uống này còn thay thế luôn cả nước lọc.
Tại Mông Cổ, người dân chỉ thực sự uống nước lọc khi cần, còn hàng ngày, trà sữa được xem là thức uống truyền thống và thông dụng hơn cả.
Trà sữa Mông Cổ mang hương vị rất đặc trưng và khác biệt. Người dân ở đây làm trà sữa bằng cách đun sôi nước với trà và sữa tươi, cộng thêm chút muối, bơ và hạt kê rang. Tùy theo mùa trong năm, trà sữa sẽ có những hương vị riêng.
Vào mùa xuân, lúc gia súc không còn nhiều sữa, thì trà không có sữa lên ngôi. Trà đen hay còn được gọi là trà không sữa được người dân xem như loại thức uống dành riêng cho những ngày xuân tươi mát.
Mùa hè, thời tiết nóng nực hơn nên người dân đã biến hóa vị trà sữa thành hương ngọt dịu. Theo đó, người dân sẽ kết hợp giữa nước, sữa kèm theo một chút muối tạo nên trà sữa có tên gọi Hyaram (хярам). Hyaram được xem là thức uống được yêu thích nhất khi vào hè ở Mông Cổ.
Mùa thu là thời điểm gia súc có nhiều sữa nhất trong năm. Lúc này người dân ưa chuộng nhiều nhất là loại sữa ngựa lên men hay còn gọi là Airag. Loại đồ uống này có lượng protein và vitamin rất cao.
Airag là loại thức uống được chế biến khá cầu kỳ. Để làm được một lượng Airag đủ dùng cho 1 gia đình thì người Mông Cổ phải sử dụng sữa của 10 con ngựa cái. Sau khi thu hoạch, hàng ngày phải lắc đều hàng nghìn lần để sữa không quá đặc, cũng không quá lỏng.
Vào mùa đông, khi thời tiết trở lạnh, người Mông Cổ lại có xu hướng sử dụng trà sữa mặn. Lúc này đồ uống nóng hổi và béo ngậy sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Nếu được sống ở một đất nước 4 mùa đều thưởng thức trà sữa thế này, bạn có đi không?
Bình luận