• Zalo

TPP có ‘lật đổ’ ngôi vị ‘trùm chứng khoán’ của Vinamilk?

Kinh tếThứ Ba, 06/10/2015 06:25:00 +07:00Google News

Nhiều người lo ngại TPP có thể “lật đổ” ngôi vị “trùm chứng khoán” mà Vinamilk mới giành được từ Vietcombank.

(VTC News) – Sữa là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn khi đàm phán TPP kết thúc nên nhiều người lo ngại TPP có thể “lật đổ” ngôi vị “trùm chứng khoán” mà Vinamilk mới giành được từ Vietcombank.

“Lật đổ” Vietcombank

Trong nhiều năm trở lại đây, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) được giới đầu tư chứng khoán gọi vui là “trùm chứng khoán” – cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam. Có nhiều thời điểm GAS giao dịch trên mức 100.000 đồng/CP.

GAS đạt “đỉnh” vào ngày 28/8/2014 khi vọt lên 117.000 đồng/CP. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Khí Việt Nam là con số vô cùng lớn 221.715 tỷ đồng.

Thế nhưng mọi việc thay đổi nhanh chóng khi giá dầu thế giới lao dốc. Giống như tất cả các cổ phiếu dầu khí niêm yết trên cả 2 sàn, GAS “rơi tự do”. Chỉ sau gần 1 năm so với “đỉnh”, ngày 25/8/2015, GAS rớt xuống “đáy” 38.000 đồng/CP. Với mức giá này, giá trị của GAS chỉ còn là 72.010 tỷ đồng.

Nhưng không phải chờ tới khi xuống “đáy”, ngôi vị “trùm chứng khoán” của GAS mới bị phế bỏ. Trước đó, ngày 1/6, GAS và VCB trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank vượt qua GAS trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.

Vinamilk trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
Vinamilk trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 
VCB có diễn biến khá ngược với GAS. VCB có chuỗi ngày dài tăng mạnh và đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Tính từ đầu năm 2015 tới ngày 2/6, giá cổ phiếu VCB đã tăng 14.000 đồng/CP, tương ứng 43,89% lên 45.900 đồng/CP. Đà tăng này giúp vốn hóa thị trường của VCB có thêm 37.310 tỷ đồng lên 122.324,43 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của VCB lớn hơn GAS gần 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà tăng của VCB không kéo dài được lâu. Sau khi đạt “đỉnh” 54.500 đồng/CP trong vài phiên đầu tháng 7, VCB bắt đầu bước vào xu hướng đi xuống. Ngày 24/8, VCB rơi xuống “đáy” 39.500 đồng/CP rồi dần phục hồi.

Dù vậy VCB vẫn đang trong đà phục hồi nhẹ nhưng đứng trước áp lực tăng giá mạnh của VNM, tới ngày 22/9, VCB chính thức bị VNM “lật đổ”. VNM thế chỗ VCB ở ngôi vị cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.

Chốt phiên giao dịch 22/9, VNM tăng 3.000 đồng/CP lên 102.000 đồng/CP. Với mức giá này của VNM, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam có vốn hóa thị trường là 122.467,5 tỷ đồng. Cùng ngày, giá trị của Vietcombank là 118.859,9 tỷ đồng.

Có bị TPP “lật đổ”?

Mới trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam không lâu, Vinamilk đã gặp nhiều trở ngại và có nguy cơ bị Vietcombank lật đổ trở lại vì mức chênh lệch vốn hóa của hai công ty không quá lớn.

Trở ngại đó chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cuối ngày 5/10, đàm phán TPP đã kết thúc. Theo đó, nhiều ngành nghề của Việt Nam như dệt  may, thủy sản,... được hưởng lợi nhưng một số ngành như mía đường, sữa,... ít nhiều bị ảnh hưởng.

Mà ở TPP, đàm phán bơ, sữa là nút thắt phụ nhưng lại là nút thắt cuối cùng của TPP. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành bơ sữa trên thị trường.

Sở dĩ ngành sữa Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi 2 trong số 12 nước tham gia TPP có Australia và New Zealand – những quốc gia có ngành sữa rất phát triển.

Chưa tính tới TPP, trước đó, ngành sữa Việt Nam phải phải đối phó với nhiều khó khăn khi Việt Nam thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN cùng hai nước Australia, New Zealand (AANZFTA).

Theo đó, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định cho nông sản đến từ 2 nước này. Các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Australia, New Zealand về Việt Nam sẽ có mức thuế 7% trong năm 2015, và giảm về 0% từ năm 2018.

Vì thế, khi TPP trở thành hiện thực, ngành sữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk là những doanh nghiệp chịu tác động mạnh nhất.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nhận xét trên Zing rằng các doanh nghiệp trong nước có chăng nếu ảnh hưởng sẽ là Vinamilk, vì sản phẩm đa dạng, tính cạnh tranh lớn.

Không phủ nhận những nguy cơ, chia sẻ trên Zing, một thành viên trong Hội đồng quản trị Vinamilk cho biết, TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành sữa Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng. Vị này cho biết, doanh nghiệp đã có phương án dự phòng để đối phó với gần như mọi tình huống khi TPP được thông qua.

Và có vẻ như, giới đầu tư cũng không quá lo lắng cho Vinamilk. Điều đó được thể hiện rõ trong phiên giao dịch 5/10. Trong khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành gặp bất lợi vì TPP như mía đường đi xuống thì VNM vẫn tăng khá mạnh.

Chốt phiên giao dịch 5/10, VNM tăng 3.000 đồng/CP và dừng ở mức 103.000 đồng/CP. VNM giúp vốn hóa thị trường của Vinamilk tăng 3.602 tỷ đồng lên 123.614,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, tới cuối ngày 5/10, vốn hóa thị trường của Vietcombank đi xuống mức 115.928,4 tỷ đồng, thấp hơn VNM 7.686 tỷ đồng. Đây là con số đủ lớn để VCB không nhờ TPP lật đổ ngôi vị trùm chứng khoán của Vinamilk trong ngắn hạn.


Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn