UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại trên địa bàn TP.
Theo UBND TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP có 4.938 tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.583,34km.
Trong đó, có khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544,7km (chiếm 55,52%) và 1.488 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7m trở lên với chiều dài 2.038,64km (chiếm 44,48%).
Theo thống kê năm 2020, tốc độ lưu thông trên toàn khu vực trung tâm TP trung bình khoảng 30km/h, giờ thấp điểm khoảng 41,91km/h, giờ cao điểm khoảng 20,82km/h.
Ngoài ra, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với thực tế, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách và sự phát triển của hạ tầng đô thị (kết nối với các khu đô thị mới, kết nối với các phương thức vận tải khác…).
Theo kế hoạch giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, TP dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, triển khai hệ thống xe buýt này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt “phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7m trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ”.
Vì vậy, để triển khai thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong đô thị, đặc biệt là phục vụ kết nối đa phương thức, hoạt động tại các khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông và các khu vực dân cư nội bộ, tổ chức mạng lưới các tuyến buýt sử dụng phương tiện nhỏ thu gom kết nối với các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai, nhằm phục vụ ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP được sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để triển khai cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động trên địa bàn TP, nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của TP.
Bình luận