Nhiều quốc gia trên thế giới hiện trang bị nhiều vũ khí có khả năng tấn công xe tăng hoặc các loại xe bọc thép của đối phương. Đặc biệt, một trong những loại vũ khí hiện đại hiện nay là các hệ thống tên lửa điều khiển chống tăng uy lực. Dưới đây là 10 hệ thống tên lửa chống tăng tốt nhất trên thế giới, theo Defence View.
Tên lửa chống tăng Milan
Hệ thống tên lửa điều khiển chống tăng (ATGM) Milan được phát triển năm 1962, nhằm trang bị cho lực lượng vũ trang Đức là Bundeswehr, đơn vị đòi hỏi các loại vũ khí cơ động mạnh và đủ khả năng tiêu diệt xe tăng đối phương.
Hệ thống tên lửa bao gồm bệ phóng, thùng chứa tên lửa, ống ngắm, bộ phận điện tử, bộ điều khiển từ xa và nguồn điện. Bệ phóng tên lửa Milan có hệ thống dẫn đường bán tự động, có tầm bắn từ 75m đến 3.000m.
BGM-71 “TOW” của Mỹ
Hệ thống chống tăng này được phát triển bởi công ty Hughes Aircraft và đưa vào phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ vào năm 1970. Kể từ đó, nó liên tục được hiện đại hóa và cải tiến, nhằm đáp ứng những yêu cầu chiến trường.
Tên lửa điều khiển chống tăng này có thể được phóng từ bệ phóng di động hoặc từ bệ phóng của nhiều phương tiện và xe bọc thép khác nhau.
BGM-71 được dẫn hướng bằng một ống ngắm quang điện tử thông thường. Tốc độ bay của tên lửa đạt cận âm (250-260 m/giây). Tầm phóng tối đa của tên lửa là 3.750 m.
HJ-12 của Trung Quốc
Hongjian-12 là tên lửa chống tăng hồng ngoại thế hệ thứ ba, cơ động cao, hoạt động theo cơ chế “bắn – quên” của Trung Quốc. Nó được ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm Eurosatory năm 2014.
Tên lửa của tổ hợp HJ-12 có thể tấn công các mục tiêu bao gồm xe tăng, boongke, tàu chiến nhỏ và máy bay trực thăng từ trên cao. Tên lửa có khả năng xuyên thủng giáp dày 1.100 mm. HJ-12 cho phép người điều khiển khóa mục tiêu, khai hỏa và sau đó di chuyển sang khu vực khác. Cơ chế hoạt động của tên lửa là “bắn và quên”, không có hệ thống dẫn đường. Tầm hoạt động của hệ thống này là 4.000m vào ban ngày và 2.000m vào ban đêm.
Hệ thống Nag của Ấn Độ
Nag là tên lửa chống tăng dẫn đường trong mọi điều kiện thời tiết, có hỏa lực mạnh. Đây là tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba của Ấn Độ, có tầm hoạt động từ 500 m đến 20 km.
Hệ thống có khả năng hướng dẫn di chuyển thụ động nâng cao, xác suất tiêu diệt cao bằng một phát và có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Trọng lượng của Nag là khoảng 14,5 kg. Tên lửa có thể chống nhiễu, đảm bảo độ chính xác khi đánh trúng mục tiêu ở cả chế độ tấn công từ xa và tấn công chính diện.
9M123 Khrizantema của Nga
9M123 Khrizantema là tên lửa chống tăng dẫn đường uy lực của Nga, được thiết kế để đối phó với các thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện tại và trong tương lai. Vũ khí này cũng được sử dụng để tấn công các mục tiêu bay chậm và bay thấp, như trực thăng. Tên lửa 9M123 cùng với hệ thống dẫn đường liên kết của nó tạo thành hệ thống 9K123.
Đây là loại vũ khí hiện đại trong quân đội Nga, và là niềm tự hào của Các Lực lượng vũ trang Nga. Nhờ các phương tiện quang học, hệ thống có thể phát hiện mục tiêu sau màn khói dày đặc hay trong điều kiện sương mù. Nó có thể phát hiện và đánh trúng mục tiêu cả ngày lẫn đêm.
Với tốc độ siêu thanh, tên lửa của tổ hợp này có thể bắn trúng lớp giáp thép dày tới 1.200 mm. Tên lửa cũng có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly tới 6.000m.
Tên lửa Javelin của Mỹ
Hệ thống tên lửa FJM-148 “Javelin” được thiết kế để tấn công các phương tiện bọc thép và các mục tiêu bay tốc độ thấp, như máy bay trực thăng, UAV và máy bay cánh quạt bay. FJM-148 “Javelin” là vũ khí điều khiển chống tăng thế hệ thứ ba của Mỹ được sản xuất hàng loạt. Chúng được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ vào năm 1996.
Tên lửa chống tăng FJM-148 Javelin có bộ phận tác chiến song song, cánh gấp, đầu phóng hồng ngoại và hai động cơ làm nhiệm vụ phóng và di chuyển. Tổ hợp này là có tầm bắn tương đối ngắn, khoảng 2,5 km. Tên lửa có đường kính 127 mm, có khả năng bắn giáp dày tới 750 mm.
Tên lửa Brimstone của Anh
Được phát triển bởi Matra Defense và BAe Dynamics, Brimstone là tên lửa tự hành, hoạt động trong mọi thời tiết, có hiệu quả cao, cung cấp khả năng tấn công mục tiêu ở những vị trí sâu nhất trên chiến trường, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống khác. Brimstone có đầu đạn Tandem Shaped Charge (TSC), được thiết kế để xuyên thủng và phá vỡ lớp giáp cơ bản.
Tên lửa MMP của Pháp
MMR là tên lửa thế hệ thứ năm, được thiết kế để thay thế các ATGM Milan và Javelin. Tổ hợp này được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp, bao gồm hình ảnh nhiệt, đầu thu hình của máy bay, hệ thống dẫn đường quán tính, cũng như dẫn hướng bằng cáp quang.
Việc giao tiếp bằng sợi quang cho phép hệ thống truyền hình ảnh tới bệ phóng và điều khiển tên lửa. Đường bay của tên lửa có thể là trực diện và đạn đạo, được thiết kế để bắn trúng vị trí nóc tháp pháo của xe tăng.
Tốc độ bay của tên lửa là 160 m/s, tầm bắn tối đa là 4,1 km. Khả năng xuyên thủng các mục tiêu động, theo các nhà phát triển, là 1.100 mm.
Spike của Israel
Hệ thống Spike NLOS, do công ty công nghệ quốc phòng Rafael của Israel phát triển, có khả năng dẫn đường cho các tên lửa tự động, và đã được trang bị cho nhiều đơn vị vũ trang khác nhau. Cụ thể là để trang bị trên các thiết bị quân sự mặt đất hoặc sử dụng từ trực thăng. Tên lửa Spike NLOS là tên lửa lớn nhất và nặng nhất trong cả hệ thống. Trọng lượng của nó đạt 75 kg, chiều dài vượt quá 1,5 m.
Kích thước và trọng lượng như vậy cho phép tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn, nâng tầm hoạt động lên 25 km. Quân đội Israel đã sử dụng hệ thống tên lửa Spike “NLOS” trên xe Humvee do Mỹ sản xuất. Khả năng xuyên giáp tối đa của tên lửa là là 1.000 mm.
Kornet của Nga
Tên lửa Kornet được phát triển bởi Công ty Thiết bị máy Tula. Tên lửa điều khiển chống tăng dựa trên tổ hợp vũ khí dẫn đường, được thiết kế để tấn công xe tăng và các mục tiêu bọc thép khác, bao gồm cả hệ thống phòng thủ di động hiện đại.
Phiên bản mới nhất của hệ thống Kornet thực hiện dạng mô-đun và hoạt động theo nguyên tắc "bắn - quên". Hệ thống chống tên lửa Kornet có thể vượt qua các phương tiện bảo vệ hiện đại bằng cách phóng hai tên lửa cùng một lúc.
Trên tên lửa cỡ nòng 152 mm, ngoài bộ phận tấn công, còn được lắp đặt một phần nhiệt áp, giúp chế áp các điểm hỏa lực của đối phương. Phiên bản cải tiến của tổ hợp này là “Kornet-D” có khả năng xuyên giáp lên tới 1.300 mm, với tầm bắn lên đến 10 km.
Bình luận