Trình bày báo cáo của Chính phủ Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ 1/10/2019 đến 31/7/2020) tại phiên họp 48 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát.
Tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm còn có dấu hiệu buông lỏng; công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, triệt phá.
“Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau” – Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Trước tình hình trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị làm rõ vấn đề “tín dụng đen”, băng nhóm từ 2019 đến nay thì xu hướng là giảm hay hay tăng.
“Ví dụ vụ Thái Bình là một điển hình, nằm ngay trong thành phố Thái Bình mà cũng có quan hệ với các viên chức ở địa phương, bây giờ đem ra xét xử, dân người ta bức xúc là phải. Mình cũng thấy việc đó không diễn ra từ nơi xa xôi, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao mà nó nằm ngay trực tiếp ở đó, dân bất bình là đúng” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, thời gian qua, hành vi môi giới đưa người Việt Nam ra ngước ngoài và đưa người nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch gây bức xúc, bởi ban đầu chỉ vào các tỉnh biên giới nhưng rồi sau đó lại vào cả nội địa, thành phố lớn.
“Vừa qua có địa phương xử lý kịp thời với mức án nghiêm khắc. Nhưng còn nhiều nơi cũng phát hiện người vào Việt Nam bất hợp pháp nhưng chưa thấy xết xử” – ông Nguyễn Văn Giàu thắc mắc và cho rằng cần xử lý nhanh với hình phạt thích đáng.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì ngạc nhiên khi có đối tượng giả danh công an, quân đội để lừa đảo. “Giả công an rồi vào cả trụ sở công an thì quá ngang nhiên” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đặt vấn đề phải chăng đồng phục có màu sắc giống của ngành công an đang được bán tràn lan mà chưa được quan tâm xử lý trong khi người dân khó nhận biết đâu là thật – giả.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị làm mạnh, xử lý nghiêm vì “như uống rượu, bia xong lại chống người thi hành công vụ thì sao chịu nổi!”.
Cũng quan tâm tội phạm băng nhóm, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh ngoài vụ việc ở Thành phố Thái Bình như ông Nguyễn Văn Giàu đề cập thì ở nhiều nơi cũng có tình trạng hàng chục người kéo nhau đi giải quyết mâu thuẫn. “Họ biết làm thế là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, không phải chỉ ở một hai nơi. Vậy về mặt quản lý Nhà nước thế nào?” – ông Bình băn khoăn.
Báo cáo từ Uỷ ban Tư pháp nhận định, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: chống người thi hành công vụ tăng 14,2% (trong đó chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 280%). Ông Phan Thanh Bình đề nghị cần đánh giá rõ về con số này cũng như về quản lý xã hội và sự tuân thủ pháp luật.
Góp ý vào các báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tình trạng lợi dụng chủ trương mua sắm thiết bị y tế để phòng chống dịch COVID-19 với quy trình thủ tục không rõ ràng, giá mua vượt cao so với giá thực.
“Có vụ việc ở chỗ này, chỗ kia nên báo cáo cần nhấn mạnh chỗ nào đúng, chỗ nào sai và xử lý đối tượng trục lợi chính sách ra sao để đại biểu Quốc hội và cử tri thấy được việc xử lý vừa qua là nghiêm minh” – ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến, đồng thời cũng bày tỏ lo lắng về con số cho thấy số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng.
Bình luận