• Zalo

Giả công an, dùng lệnh bắt khẩn cấp rởm, lừa chiếm đoạt 1 tỷ đồng

Pháp luậtThứ Tư, 25/04/2018 09:56:00 +07:00Google News

Chỉ vì tin vào lệnh bắt khẩn cấp rởm, một phụ nữ ở Đà Nẵng hốt hoảng chuyển 1 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo.

Ngày 24/4 một người phụ nữ tên U. (30 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thừa nhận mới gửi đơn trình báo lên Công an TP Đà Nẵng việc mình bị các đối tượng xưng là công an, cán bộ toà án doạ truy tố để lừa lấy 1 tỷ đồng.

Theo đơn trình báo, lúc 9h15 ngày 19/4 chị U. nhận được điện thoại từ số máy 0044283196661 gọi vào máy điện thoại bàn ở khách sạn K.Y (Đà Nẵng) do chị này làm quản lý.

Cuộc gọi đến tự động có nội dung: “Thông báo được gởi đi từ TAND TP Đà Nẵng, có đơn khởi tố có tính chất hình sự với quý vị. Để giải đáp thắc mắc, vui lòng bấm phím số 9”.

anh 1

Hình ảnh "Lệnh bắt khẩn cấp" do người đàn ông tự xưng là cán bộ công an TP.HCM gửi cho chị U. qua mạng xã hội. 

Ngạc nhiên và tò mò làm theo, chị U. bấm số 9 và được gặp một phụ nữ tự xưng là nhân viên tòa án và hỏi cụ thể tên tuổi, công việc của chị.

Sau khi được trả lời, người phụ nữ hỏi số chứng minh thư nhân dân và ngày tháng năm sinh của chị U. với lý do để tra mã hồ sơ. Lát sau, người này thông báo chị U. bị nhà mạng Viettel đề nghị khởi tố vì nợ cước 7.850.000 đồng.

Tuy nhiên, khi chị U. khẳng định không nợ cước thì người phụ nữ trong điện thoại nói số điện thoại chị U. đang sử dụng có đăng ký tại 125 Nguyễn Trãi (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Khi chị U. nói không biết gì người phụ nữ kể trên nói có người mạo danh chị U. để đăng ký số điện thoại nói trên và đây là hình thức mạo danh để làm những việc phi pháp. Người phụ nữ trong điện thoại yêu cầu chị U. nên trình báo đến Công an TP.HCM rồi kết nối máy đến đó.

Sau đó, có một người đàn ông dùng số 280000113 gọi vào số của chị U. và tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.

Chị U. cho biết: “Người này nói thông báo về việc có người mạo danh tôi để hoạt động phi pháp, liên quan vụ án nghiêm trọng, bị tình nghi trong đường dây ma túy, rửa tiền rồi gửi ảnh chụp “lệnh bắt khẩn cấp” cho tôi qua tài khoản mạng xã hội”.

anh 2

Hoá đơn chị U. chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản của 1 người có tên Lê Minh Dung. 

Người đàn ông tự xưng là cán bộ công an nói với chị U. rằng, để chứng minh không liên quan, không vi phạm thì phải kê khai tài sản để chứng minh thu nhập là minh bạch, nộp tiền vào cơ quan công an để kiểm chứng.

Vì thấy số điện thoại người đàn ông gọi đên có đuôi 113 nên chị U. tin đó là công an thật và tỏ ra hoảng sợ, lo lắng nên đã làm theo và chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Lê Minh Dung, số tài khoản: 020058758893 tại ngân hàng Sacombank chi nhánh TP.HCM.

Người xưng cán bộ công an còn hướng dẫn chị đến trụ sở Công an TP.Đà Nẵng để nhận giấy xác nhận là không liên quan đến vụ án. Sau đó chị U. kể lại sự việc cho chồng thì mới biết bị lừa.

Được biết, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo đơn vị chức năng, phòng ban xác minh đơn thư, điều tra vụ việc.

Đồng thời, công an cũng khuyến cáo người dân không nên tin tưởng những cuộc gọi điện, tin nhắn thông báo người dân đang bị mạo danh, đang vướng vào vụ án; phải chứng minh thu nhập để phục vụ điều tra.

Video: Lật tẩy thủ đoạn giả danh công an lừa đảo khiến nhiều người sập bẫy

Hải Vương
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn