"Chúng tôi có tất cả các nguồn lực và cơ hội để nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp thay thế", ông Putin nói trong cuộc họp chính phủ phát sóng trên truyền hình Nga hôm 13/4.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết đối với dầu, khí đốt và than đá, Nga có thể tăng mức tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng như tăng cường cung cấp các nguồn năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đồng loạt áp đặt trừng phạt với Moskva, bao gồm cấm vận với xuất khẩu năng lượng của nước này.
Mỹ cấm nhập khẩu dầu khí đốt của Nga trong khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản cấm nhập khẩu than của Moskva.
EU, khách hàng mua dầu và khí đốt lớn nhất của Nga dù phản đối lời kêu gọi cấm vận mặt hàng này nhưng đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moska.
Hồi tháng 2, Đức dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vốn được thiết lập để tăng nguồn cung khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu.
Hôm 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này sẵn sàng chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường thay thế, bán dầu cho các nước thân thiện với bất kỳ mức giá nào.
Trả lời trước báo giới về dự báo tình hình giá năng lượng nếu trường hợp các nước EU từ chối nhập khẩu dầu từ Nga, ông Shulginov nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, giá dầu trong khoảng 80-150 USD/thùng là có thể thực hiện được. Và nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ, chứ không phải là dự đoán giá dầu sẽ là bao nhiêu”.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Moskva sẽ tập trung đẩy mạnh doanh số đến các khách hàng chưa hề áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út. Moskva cũng đang ấp ủ tham vọng vượt qua các đối thủ Trung Đông trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho nền kinh tế thứ hai thế giới trong những năm tới.
Hồi tháng 2, Nga và Trung Quốc thông báo hợp đồng 30 năm, trong đó Moskva cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh qua hệ thống đường ống dẫn mới. Hai bên cũng thống nhất thanh toán qua đồng euro.
Một mục tiêu lớn khác của Moskva là tăng đáng kể lượng dầu mỏ xuất khẩu đến Ấn Độ, nhà tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới.
Nga hiện mới chỉ chiếm 2% lượng dầu mỏ Ấn Độ nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, New Delhi đã đẩy mạnh mua dầu từ Moskva do mức giá giảm mạnh.
Bình luận