Tuyên bố trên được Tổng thống Putin đưa ra bên thềm cuộc họp về tương lai của quân đội Nga cũng như ngành công nghiệp quốc phòng nước này ở Sochi vừa qua.
"Mọi người đều biết về kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu, điều này gây nguy hiểm và đe dọa lớn cho chúng tôi", ông Putin nói với các quan chức quốc phòng Nga trong cuộc họp.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ "đáp trả thỏa đáng" những nỗ lực của các thế lực bên ngoài đang cố phá vỡ sự cân bằng chiến lược vốn có trong khu vực.
"Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng một số đối tác nước ngoài của chúng ta không ngừng nỗ lực phá vỡ sự cân bằng, bao gồm cả việc triển khai các đơn vị hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới Nga. Chúng ta không thể làm như không thấy những mối đe dọa này đối với an ninh nước Nga”, Tổng thống Putin cho biết.
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, các hệ thống phòng không tiên tiến của nước này sẽ có thể phát hiện và tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo và siêu thanh của kẻ thù.
"Theo chương trình trang bị vũ khí cấp nhà nước, 25 hệ thống tên lửa phòng không S-400 và hơn 70 máy bay chiến đấu hiện đại đã được chuyển giao cho quân đội Nga trong 4 năm qua. Hơn 20 hệ thống S-300 và 90 máy bay khác đã được nâng cấp", ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng.
Ông Putin cũng tiết lộ quân đội Nga sẽ sớm nhận được hệ thống tên lửa S-500 mới, vũ khí này đang được đưa vào sản xuất hàng loạt.
“Trong những năm tới, hơn 200 máy bay và 26 hệ thống tên lửa phòng không S-350 và S-400, cũng như hệ thống tên lửa S-500 mới nhất sẽ được cung cấp cho quân đội Nga”, ông Putin nói thêm.
Trong cuộc họp này, ông cũng nói về những ưu tiên chính liên quan đến chương trình hiện đại hóa hải quân Nga trong tương lai.
"Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác là tái trang bị cho hải quân Nga những thiết bị và vũ khí hiện đại. Trong 4 năm qua, Hải quân đã đưa vào biên chế 49 tàu và xuồng chiến đấu mới, 9 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển và 10 máy bay mới", ông Putin nói.
Đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống Putin nói rằng cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ đang ngày càng gia tăng, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002. Đến năm 2019, Washington tiếp tục rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Bình luận về động thái của mình, Mỹ nói rằng Nga đã từ chối tuân theo yêu cầu của Washington về việc loại bỏ tên lửa hành trình 9M729 vì chúng bị cho là vi phạm Hiệp ước INF. Moskva đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, nói rằng các thông số kỹ thuật của tên lửa 9M729 đáp ứng các thông số mà INF cho phép.
Dù vậy Moskva vẫn hành động xuống nước khi gửi thư tới một số lãnh đạo phương Tây, bao gồm các nước thành viên NATO đề nghị tạm hoãn kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ đến châu Âu nhằm hạ nhiệt căng thẳng cho cả hai bên nhưng Washington đã từ chối sáng kiến này.
Mối quan hệ của Nga với NATO
Tất cả diễn biến kể trên đẩy mối quan hệ giữa Nga và NATO trở nên tồi tề hơn, mà theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg quan hệ hai bên đang xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Nhận xét này được ông Stoltenberg đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels vào ngày 21/10. Cùng với đó là việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao thuộc phái bộ Nga ở liên minh quân sự này. Đáp lại Nga cũng đình chỉ các hoạt động của họ ở NATO và đóng cửa văn phòng của NATO ở Moskva.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho biết mối quan hệ giữa Nga và NATO không thể được gọi là “thảm họa” vì đơn giản là chúng không hề tồn tại vào thời điểm hiện tại. Theo ông, những gì đang diễn ra chứng minh rằng NATO không muốn có bất kỳ sự hợp tác nào với Nga.
Bình luận