Hôm 9/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đừng phạm sai lầm. Mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt bây giờ không phải là virus. Thay vào đó, đó là sự thiếu lãnh đạo và đoàn kết ở cấp độ toàn cầu và quốc gia.
Đây là một thảm kịch buộc chúng ta phải chứng kiến nhiều nhiều người thiệt mạng. Và chúng ta không thể đánh bại đại dịch này trong một thế giới bị chia rẽ. Virus này lớn mạnh dựa trên sự chia rẽ, và bị đẩy lùi khi chúng ta cùng chí hướng".
Thời gian qua, Mỹ liên tục đưa ra các chỉ trích đối với WHO, cho rằng tổ chức này phản ứng chậm trước đại dịch cũng như lên án WHO là “con rối” của Trung Quốc.
Trước phản ứng của Mỹ, cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước.
Hôm 7/7, Liên hợp quốc xác nhận thông tin Mỹ sẽ rời khỏi WHO vào ngày 6/7/2021. Thông tin này được Liên hợp quốc công bố sau khi nhận được thông báo về quyết định rút khỏi tổ chức này của Tổng thống Donald Trump.
Hôm 9/7, WHO thông báo thành lập Ủy ban độc lập để đánh giá xử lý đại dịch COVID-19 và phản ứng của các chính phủ trên toàn thế giới.
Theo đó, Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf sẽ đứng đầu Uỷ ban trên.
Hồi tháng 5, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua một nghị quyết được Liên minh châu Âu đề xuất nhằm kêu gọi đánh giá "khách quan, độc lập và toàn diện" phản ứng toàn cầu đối với đại dịch.
Bình luận