Do đó, giá heo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, thậm chí tăng giá rất cao khi cung yếu hơn cầu trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm và giáp Tết.
Tỷ lệ tái đàn thấp, lo ngại thiếu hụt thịt heo
Khảo sát thực tế của VTC News tại “thủ phủ” chăn nuôi heo lớn nhất miền Bắc, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ tái đàn rất thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 30%, tức là giảm đến 70% số hộ gia đình chăn nuôi so với hơn 2 tháng trước đây.
Anh Phạm Công Thịnh (thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ) cho biết, hơn tháng nay gia đình không tái đàn nữa vì giá heo hơi bắt đầu xuống thấp, chăn nuôi không có lãi.
Theo tính toán của anh Thịnh, nếu giá heo hơi đạt 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con heo lãi được 300 - 500.000 đồng. Nhưng với giá bán 58.000 đồng/kg tại cửa chuồng như hiện nay, trừ tất cả chi phí thì hòa vốn, đấy là chưa kể không may có con bị ốm phải tiêm thuốc, hoặc chết là lỗ.
Quan sát trang trại của anh Thịnh cho thấy, chuồng trại bỏ không, phễu cho thức ăn, xô, chậu và cả cân điện tử được xếp ngay tại trại chăn nuôi. Hệ thống điện cũng được ngắt để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, các chuồng trại thì mạng nhện bám chằng chịt.
“Ở thôn Đội 1 không chỉ gia đình tôi bỏ không chuồng trại, mà trong số hơn 400 hộ gia đình chăn nuôi trước đây, giờ còn lại chưa đến 100 hộ tiếp tục chăn nuôi. Số hộ này cũng chỉ duy trì từ vài con đến vài chục con, giảm hơn 70% số đàn heo so với trước đây”, anh Thịnh nói.
Trả lời VTC News ngày 19/8, ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, năm 2022, Ngọc Lũ có 5 thôn với hơn 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 65.000 con. Sang đến đầu năm 2023, giá heo hơi liên tiếp xuống thấp, cả xã chỉ còn lại 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi với hơn 17.000 con.
“Hơn 3 tháng trước, giá heo hơi nhích dần, người chăn nuôi phấn khởi tái đàn trở lại có thời điểm tổng đàn lên đến hơn 25.000 con. Hiện giá heo hơi tại địa phương giao dịch từ 56.000 - 58.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi nên hầu như không tái đàn. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 13.000 - 14.000 con, giảm hơn 40% tổng đàn so với 2 tháng trước đây”, ông Chung nói.
Trong khi đó, trả lời VTC News chiều 19/8, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7 giá heo hơi có tăng cao, nhưng kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá heo hơi đã giảm nhanh. Cùng với đó, giá heo ở mức thấp trong thời gian dài trước đó khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng, lượng tái đàn thấp, nguồn cung ra thị trường giảm.
“Theo thông lệ vào thời điểm này, tỷ lệ tái đàn của người chăn nuôi sẽ tăng để phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Thế như, do tình hình chăn nuôi tương đối bấp bênh, thứ nhất là về giá cả, đầu ra trồi sụt lên xuống liên tục.
Thứ hai, là 2 năm vừa qua giá cám tăng quá mạnh. Và điều đáng lo ngại nhất là dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi không chủ động được nên nhiều trang trại không dám tái đàn, bởi nếu không may trang trại mắc dịch tả heo Châu Phi thì trắng tay luôn. Do vậy, cuối năm nay có thể đàn heo của mình sẽ bị hụt”, ông Đoán nói.
Theo dữ liệu của bộ phận phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), tổng đàn heo của Việt Nam bị thâm hụt khoảng 20 - 25% so với bình thường. Do vậy, nguồn cung heo năm 2023 dự báo sẽ thiếu hụt vì nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn ngay lập tức với quy mô lớn.
Cơ bản không thiếu thị heo
Tuy nhiên, ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, đa phần các trang trại ở Ngọc Lũ mua heo có trọng lượng từ 70 - 80kg về nuôi từ 2 - 3 tháng, đạt trọng lượng từ 120 - 140 kg là xuất chuồng bán.
"Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, giá heo hơi xuống thấp nên người dân vẫn đang theo dõi diễn biến giá cả heo hơi. Nếu giá heo hơi nhích lên, người dân địa phương có thể sẽ tiếp tục tái đàn để cung cấp cho nhu cầu thị trường”, ông Chung nói.
Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, trong khi đa phần các hộ chăn nuôi đều có chung suy nghĩ giá heo hơi bấp bênh nên không chủ động tái đàn vì chăn nuôi không có lời. Phần khác vì lo ngại ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, các công ty chăn nuôi lớn của cả Việt Nam và nước ngoài như Masan, Dabaco cũng giảm đàn.
Về nhận định người chăn nuôi và doanh nghiệp tái đàn thấp, cuối năm giá thịt heo có tăng hay không, ông Đoán cho rằng, thực ra giá thịt heo có tăng nhưng sẽ không nhiều, bởi vì các tập đoàn đã đầu tư lớn, số lượng nhiều nên không thể dừng chăn nuôi như nông dân.
“Hiện nay cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng đàn heo của cả nước, còn các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn. Các công ty không thể tính toán như nông dân được, mà họ sẽ phải tính đường dài trong chăn nuôi và điều mà doanh nghiệp lo ngại nhất là dịch tả heo châu Phi bùng phát càn quét”, ông Đoán nói.
Tuy nhiên, ông Đoán cũng cho biết, người chăn nuôi không cần phải lo ngại, bởi thông tin về dịch tả châu Phi xảy ra ngày 27/7 vừa rồi đã có quyết định của Cục Thú y cho phép bán thuốc phòng dịch rộng rãi.
“Hiện tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai khoảng 2,8 triệu con, tăng 10% so với năm 2022. Như vậy, hy vọng với những công ty chăn nuôi tin tưởng vào vacxin có chất lượng để giữ đàn thì sẽ tiếp tục cung ứng heo hơi cho thị trường và nếu có thiếu cũng không đáng kể và không thiếu hụt thị heo như năm 2020”, ông Đoán nói.
Về tỷ lệ đàn heo trên cả nước hiện nay, trả lời VTC News chiều 19/8, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, hiện tổng đàn heo của cả nước là 27,8 triệu con.
“Với tỷ lệ đàn heo hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thị heo của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết”, ông Thắng nói.
Bình luận