Đứng bần thần trước trại nuôi heo được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng đã bỏ không từ vài tháng nay, anh Vũ Văn Cao (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, lúc giá xăng 21.000 đồng/lít thì giá cám heo ở mức 210.000 - 250.000 đồng/bao 25 kg, khi xăng lên 31.000 đồng/lít thì giá cám tăng lên 350.000 - 400.000 đồng/bao. Nay xăng giảm về mức 24.000 đồng/lít thì giá cám vẫn không chịu giảm, giữ ở mức 350.000 - 400.000 đồng/bao.
“Thời gian để nuôi một con heo giống từ 20kg đến khi đạt 1,2 tạ và xuất chuồng bán khoảng 5 tháng, hết 7 bao cám. Nếu mỗi con heo đạt 1,2 tạ, giá bán tại cửa chuồng khoảng 64.000 đồng/kg thì tổng thu sẽ là 7.680.000 đồng. Trong khi đó, chi phí nuôi lên tới tầm 7.100.000 đồng, trong đó giá heo giống 3,5 triệu đồng/con, tiền cám 2,8 triệu đồng, tiền điện, nước, công chăm sóc, thuốc hết khoảng 1000.000 đồng. Như vậy, nếu heo không bệnh, không chết thì người chăn nuôi lãi 580.000 đồng/con, không bõ bèn gì”, anh Cao nói.
Theo anh Cao, giá thức ăn chăn nuôi cao đã "ăn" hết cả vào lợi nhuận của người nuôi heo. "Ở địa phương tôi, nhiều gia đình đã ngừng việc chăn nuôi vài tháng nay, chưa biết khi nào mới tái đàn vì lãi ít, thậm chí không tính toán, chăn nuôi cẩn thận còn lỗ nặng”, anh Cao than.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Vụ (ở thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho biết, trước đây trong chuồng nuôi heo của gia đình ông lúc nào cũng có hơn 200 con. Nhưng trong 3 năm từ cuối 2016 đến gần hết năm 2019, gia đình ông mất trắng hơn 250 triệu tiền nuôi heo. Dù giá heo hơi có thời điểm tăng cao nhưng vì giá thức ăn chăn nuôi cũng quá cao nên giờ gia đình ông không dám mạo hiểm nuôi nhiều mà chỉ nuôi khoảng 20 con.
“Giá cám từ đầu năm đến nay tăng khoảng 150.000 đồng/bao, lên ngưỡng 350.000 - 400.000 đồng. Nay giá xăng dù giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn đứng im. Lãi ít khiền tiền nợ ngân hàng của tôi vẫn chưa trả được, nay không vay được thêm, không đại lý nào bán chịu thức ăn chăn nuôi nên tôi không dám đẩy mạnh tái đàn”, ông Vụ than thở.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ một hộ nuôi heo ở Hòa Bình cũng nói: “Với mức tăng của giá thức ăn chăn nuôi như hiện nay thì giá heo hơi khoảng 60.000 đồng/kg người nuôi mới hòa vốn. Còn để có chút lãi, giá heo hơi phải đạt 65.000 đồng/kg trở lên. Đợt vừa rồi giá heo hơi tăng lên một chút nhưng sau đó đã giảm trở lại khiến chúng tôi rất phân vân không biết có nên tái đàn hay không”.
Vì sao giá thức ăn chăn nuôi siêu đắt?
Nhận định về thị trường thức ăn chăn nuôi thời gian qua, GS-TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông thôn (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội) cho biết, thức ăn chăn nuôi là một trong những mặt hàng tăng giá liên tục và tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá mặt hàng này tăng 6 lần và chưa giảm một lần nào. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kéo giảm vật giá nhưng nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm thì giá heo hơi cũng khó giảm thêm được nữa vì hiện nay thức ăn chăn nuôi chiếm đến 80% chi phí sản xuất, trong khi giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tại khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) thông tin, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng suốt thời gian qua, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ.
“Thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm tỷ trọng tới 80 - 90%, trong đó có những nguồn không thể thay thế được trong nước như lúa mì, đậu tương và thậm chí là ngô. Chúng tôi đã từng liên kết với các vùng trồng ngô ở Sơn La, Hòa Bình… để hỗ trợ thu mua nguyên liệu nhưng chất lượng không đạt tiêu chuẩn vì kết quả kiểm định còn tồn dư một số độc tố trong quá trình sản xuất. Do đó, việc dùng nguyên liệu trong nước để thay thế vẫn còn nhiều mặt hạn chế”, ông Sáu nói.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp của Việt Nam còn lệ thuộc vào nguyên liệu, vật tư đầu vào nhập khẩu từ 50%-60% ở lĩnh vực trồng trọt; 70%-80% ở lĩnh vực chăn nuôi; 90% ở lĩnh vực thủy sản.
Nhìn từ đại dịch COVID-19 đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng ta thấy rằng thế giới thường xuyên biến động và mãi mãi biến động. Thành ra, mỗi quốc gia đều tìm kiếm sự tự chủ. Bởi thế giới hiện nay không giống như ngày xưa nữa, nếu cứ lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài thì khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên bao nhiêu, chúng ta cũng phải chấp nhận.
“Chúng ta không thể thay thế hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước nhưng có thể thay thế dần, thay thế từng phần, từ 5% lên 10%, 15%. Bài toán thức ăn chăn nuôi là câu chuyện lớn để từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng là "làm chủ việc cung ứng các nguyên liệu chính" như giống, thức ăn gia súc, phân bón”, bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cuối năm có thiếu thịt heo?
Trả lời VTC News, ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ thông tin, trước năm 2019, Ngọc Lũ có 5 thôn với 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 100.000 con. Khi heo rớt giá từ 60.000 đồng/kg hơi xuống 17.000 đồng/kg hơi thì mỗi con heo được nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán lỗ 3 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn mà người nuôi heo ở Ngọc Lũ phải gánh chịu. Khắc nghiệt hơn, khi giá heo chưa kịp hồi phục thì lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, khiến người nông dân càng ngại tái đàn.
“Hiện giá heo hơi đang cao, có nơi giá tại cửa chuồng lên đến 65.000 - 67.000 đồng/kg, nếu có heo thịt bán tại thời điểm này, người chăn nuôi thu lãi đáng kể, nhưng hiện cũng không có để bán và họ cũng không dám đầu tư để tái đàn. Bởi ngoài nỗi lo giá cả bấp bênh, dịch bệnh có thể xảy ra bất thường thì việc giá heo giống quá cao và khan hiếm, thức ăn chăn nuôi đắt đỏ và liên tục tăng giá cũng khiến người chăn nuôi phải tính toán kỹ. Hiện cả xã cũng chỉ còn 100 hộ nuôi với số lượng từ vài chục con trở xuống và 10 hộ nuôi từ hơn 100 con trở lên, giảm hơn 80% so với trước”, ông Chung nói.
Bà Mỹ Dung bày tỏ e ngại: “Nếu người chăn nuôi lo lắng giá thức ăn tăng cao, chăn nuôi không có lãi thì họ sẽ không tái đàn, rất có thể nguy cơ thiếu hụt thực phẩm từ nay đến cuối năm là khó tránh khỏi nếu chúng ta không sớm có giải pháp khắc phục”.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: "Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay khi giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chúng ta vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt là ở thời điểm Tết Nguyên đán".
Theo ông Tiến, tính đến hết tháng 7/2022, đàn lợn vẫn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; đàn trâu hàng năm giảm 2,5% nhưng năm nay chỉ giảm 1,1%. Dự kiến năm nay cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỷ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa. Ngoài ra, với tổng số khoảng 16 doanh nghiệp lớn chi phối tỷ trọng chăn nuôi lợn thì sản lượng đàn lợn vẫn đang trong đà tăng trưởng, tốc độ là 4,8% đối với đàn lợn và trên 28 triệu con.
"Sau một thời gian tương đối dài, gần 2 năm giá lợn hơi ở mức thấp, nguyên liệu thức ăn đã tăng từ 30-45%, tuy nhiên, những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi có giảm. Mặt khác, chúng ta cũng đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ rất quan trọng để khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh cũng được khống chế tương đối tốt. Cùng với giá đầu ra tương đối thuận lợi như hiện nay, tốc độ tăng trưởng của đàn lợn nói chung sẽ rất cao", ông Tiến lạc quan nói.
Bình luận