Ngày 29/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chỉ đạo khẩn lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam giám sát suốt 24/24h làm việc đối với các cây xăng để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa; nếu xảy ra tình trạng hết hàng hay đóng cửa thì phải xử lý ngay lập tức.
Trường hợp nhà cung cấp xăng dầu không giao hàng, các Cục Quản lý thị trường phải làm việc với thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý…, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu, tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát, phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do yếu tố chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác thì phải xử lý nghiêm. Tổng cục yêu cầu kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Đặc biệt, các đội quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm các đơn vị nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
Chiều nay (29/8), Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ, Tổng cục và UBND các tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than rằng, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay và sự khan hiếm nguồn cung, họ càng làm càng lỗ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng thừa nhận, số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu giảm khiến nguồn cung cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới ttăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng hạn chế nhập hàng. Hiện doanh nghiệp này cũng chỉ nhập đủ hàng cung cấp cho hệ thống của mình.
Vị này cũng cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên giá bán buôn buộc phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít, hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng.
Bình luận