• Zalo

Doanh nghiệp xăng dầu kêu 'càng bán càng lỗ'

Thị trườngThứ Bảy, 27/08/2022 10:17:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than rằng, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay và sự khan hiếm nguồn cung, họ càng làm càng lỗ.

Anh Đỗ Khánh - chủ một đại lý bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho hay, mức chiết khấu đối với xăng, dầu hiện nay 100 -150 đồng/lít  trong khi chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... cao nên việc nhận xăng tại kho bị lỗ nặng.

Cụ thể, chi phí vận tải thường là 100 - 200 đồng/lít, chi phí nhân viên là 300-400 đồng/lít, chi phí hoạt động là 200 -300 đồng/lít. Như vậy, tổng các chi phí này là 600 - 900 đồng/lít. 

Nếu mức chiết khấu 600-900 đồng/lít thì các đại lý như chúng tôi mới chỉ hoà vốn, không có lãi. Còn với mức chiết khấu100 - 150 đồng/lít như hiện nay, thậm chí ngày 25/8 mức chiết khấu chỉ còn 80 đồng/lít thì các đại lý sẽ lỗ nặng. Đại lý nào càng bán nhiều thì càng lỗ”, anh Khánh chia sẻ.

Doanh nghiệp xăng dầu kêu 'càng bán càng lỗ' - 1

Nhiều chủ cửa hàng xăng dầu than lỗ do khan hàng và chiết khấu thấp. (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo anh Khánh, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang rơi vào thế khó khi bị đứt nguồn cung. Đại lý của anh nếu lấy được xăng dầu đến cửa hàng thì bị âm 150 đồng/lít tiền vận chuyển từ kho ở Hải Phòng về, chưa kể tiền nhân công, điện, nước… Đặc biệt, muốn nhập được hàng, anh Khánh phải báo trước 2 ngày nhưng chưa chắc có hàng.

Tương tự, ông V.T. - chủ một doanh nghiệp xăng dầu khác ở Hà Nội cũng chia sẻ, doanh nghiệp bán lẻ muốn nhập hàng thì vẫn có, song phải bỏ thêm 300 - 400 đồng/lít với xăng và gần 3.000 đồng/lít đối với dầu khi mua của các thương nhân đầu mối.

Dù biết là lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải cố cầm cự để giữ mối làm ăn. Hơn nữa, các cửa hàng bán lẻ vẫn phải gồng mình bán vì cơ quan chức năng không cho phép ngừng hoạt động. Giờ mua được chừng nào xăng thì bán chừng đó, đến khi không còn nguồn thì đành đóng cửa. Từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày cửa hàng lỗ vài triệu đồng”, ông V.T. chia sẻ.

Cũng theo người này, nguồn cung xăng dầu khó khăn là do vừa qua 7 công ty bị tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu, các cửa hàng “con” của các công ty này phải tự xoay xở tìm nguồn hàng. Do không có hợp đồng nên các cửa hàng "con" không mua được hàng từ các đơn vị đầu mối khác.

Trên trang Facebook Diễn đàn Xăng dầu gần đây xuất hiện hàng loạt chia sẻ với nội dung "tất cả các cửa hàng bán lẻ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi Sở Công Thương"; "ôm hàng khó khăn", "đại lý không mua được hàng"; "chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm"…

Theo một số ý kiến, hầu hết các cửa hàng kinh doanh có tâm lý lo ngại nếu thông báo đóng cửa mà không kịp báo cáo cơ quan chức năng thì chẳng những bị kiểm tra, xử phạt mà còn mất khách… Vì vậy, có đơn vị ngậm ngùi chấp nhận mua giá cao hơn, bán lỗ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng thừa nhận, số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu giảm khiến nguồn cung cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới ttăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng hạn chế nhập hàng. Hiện doanh nghiệp này cũng chỉ nhập đủ hàng cung cấp cho hệ thống của mình.

Vị này cũng cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên giá bán buôn buộc phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít, hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng.

Mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước ký văn bản gửi thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, để đảm bảo nguồn cung đáp ứng thị trường, các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Văn bản này cũng yêu cầu duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống. 

Trong báo cáo tình hình 7 tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động. Nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu như đã cam kết.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn vì giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn