• Zalo

Tổng cục QLTT chuyển gần 700 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra

Đời sốngThứ Hai, 05/06/2023 15:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, kể từ khi thành lập Tổng cục, đã chuyển gần 700 vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.

Theo bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), song hành cùng sự đổi thay và phát triển của ngành Công Thương, lực lượng QLTT không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động, tạo nhiều dấu ấn đậm nét, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Công Thương và người dân ghi nhận.

Hơn 65 năm hình thành và phát triển, lực lượng QLTT luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt, vững mạnh, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương, trong hơn 65 năm qua, lực lượng QLTT cả nước thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, ổn định thị trường, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong thư chúc mừng 65 năm ngày truyền thống lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, lực lượng Quản lý thị trường đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động, trở thành lực lượng chuyên trách, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với hơn 6.000 công chức và người lao động.

Sau gần 5 năm hoạt động theo ngành dọc, lực lược QLTT kiểm tra trên 266.000 vụ việc, thu nộp ngân sách trên 1.700 tỷ đồng. (Ảnh: TCQLTT)

Sau gần 5 năm hoạt động theo ngành dọc, lực lược QLTT kiểm tra trên 266.000 vụ việc, thu nộp ngân sách trên 1.700 tỷ đồng. (Ảnh: TCQLTT)

Đặc biệt, sau khi được tổ chức, hoạt động theo mô hình mới, lực lượng QLTT không ngừng nỗ lực, vươn lên và đạt được những thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính...

"Thực tế chứng minh, với việc tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời, làm nên những thành công “chưa từng có” của lực lượng, khi đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm lớn, hoặc địa bàn đặc biệt mà trước đây chưa bao giờ đến.

Chính vì thế, sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình dọc thống nhất từ Trung ương tới địa phương (tính từ giai đoạn năm 2019 đến tháng 6/2023), lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 266.000 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.700 tỷ đồng. Từ khi thành lập Tổng cục, đã chuyển gần 700 vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết.

Đặc biệt, lực lượng QLTT còn thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến chống đại dịch COVID-19 khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý.

Lực lượng QLTT cũng là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn thu gom khẩu trang, găng tay y tế qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường; ngăn chặn thành công nhiều vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây. Đây là những nỗ lực không nhỏ của toàn lực lượng QLTT trong điều kiện COVID-19 kéo dài, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong và sau dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, lực lượng QLTT không chỉ thể hiện được vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường mà có thể hiện được vai trò tiên phong trong công tác xây dựng Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh không khoan nhượng trước các hành vi sai trái, trước các luận điệu xuyên tạc, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Đảng ta xác định, bảo vệ chính trị nội bộ chính là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chính vì thế, bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mà còn có ý nghĩa sống còn đối với sinh mệnh của Đảng, sự sống còn của chế độ và lợi ích quốc gia-dân tộc.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục QLTT cũng xác định: Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các biện pháp bảo vệ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của Đảng, Nhà nước. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Lực lượng QLTT vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại.

Cùng với đó, Đảng bộ cơ quan Tổng cục QLTT cũng xác định rõ phương châm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là chủ động phòng ngừa là chính, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức QLTT; thận trọng đánh giá, khách quan khi giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ.

Qua đó, giải đáp được các câu hỏi, hiện tại người cán bộ, đảng viên, công chức QLTT như thế nào, có đủ tiêu chí, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, có đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hay không?

Xác định rõ phương châm hành động nên thời gian qua, các cấp ủy, chi ủy của toàn lực lượng QLTT đều đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc tình hình, rà soát, thẩm tra vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đề bạt cán bộ, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác nhân sự, đáp ứng được yêu cầu cao về công tác chuyên môn, nghiệp vụ và tư tưởng chính trị.

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn