Ông Trần Hữu Linh: Quản lý thị trường ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp

Thị trườngThứ Năm, 14/10/2021 15:33:00 +07:00
(VTC News) -

Lực lượng quản lý thị trường ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, toàn lực lượng quản lý thị trường không ngừng lớn mạnh, chuyên nghiệp và ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại... từng bước nhận được đánh giá tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.

Bước chuyển mình tích cực

Ông Trần Hữu Linh nhận định, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, toàn lực lượng đã tạo được bước chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác. Từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng quản lý thị trường.

Ông Trần Hữu Linh: Quản lý thị trường ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh.

Cụ thể, công tác ổn định, kiện toàn tổ chức nâng cao đội ngũ cán bộ là việc ưu tiên số 1 và số 2. Đến thời điểm này, về cơ bản, công tác ổn định và kiện toàn tổ chức cán bộ của Tổng cục QLTT đã được thực hiện tốt. Mặc dù công tác kiện toàn tổ chức cán bộ tiến hành rất khó khăn, nhưng đã tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn bộ lực lượng.

Thứ nữa, việc tinh giản bộ máy hoạt động đạt nhiều thành tựu. Tính đến đầu năm 2021, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội QLTT (giảm 45%). Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp.

Trong 3 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra gần 330.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 214.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.220 tỷ đồng. Tổng cục, đã chuyển 536 vụ sang cơ quan điều tra, đã khởi tố 96 vụ.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả. Theo đó, kể từ khi thành lập Tổng cục, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Nâng cao chất lượng đội ngũ được đặc biệt chú trọng. Tổng cục xác định muốn lực lượng tiến lên “Chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại” phải quan tâm đến nâng cao chất lượng của kiểm soát viên thị trường, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, 3 năm qua, Tổng cục QLTT thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo trong nội bộ lực lượng, cử đi học lớp nâng ngạch kiểm soát. Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể.

Để đào tạo chính quy lực lượng, Tổng cục kết hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo bậc đại học về QLTT từ năm 2021.

“Đây là lần đầu tiên sau 64 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.

Liên quan đến xây dựng thể chế, Tổng cục QLTT được Chính phủ và Bộ Công Thương giao soạn thảo, trình ban hành 6 nghị định của Chính phủ và rất nhiều Thông tư liên quan đến quy trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đơn cử như: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý giúp QLTT triển khai công việc.

Tính đến tháng 9/2021, Tổng cục đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định và 09 Thông tư về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT. Đang chỉnh lý, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 02 Nghị định và 03 Thông tư trong năm 2021.

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, hiện đại là bước đột phá trong bối cảnh mới. Đến nay, 100% công chức QLTT được trang bị máy tính, 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia.

Tổng cục QLTT nhận định việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS sẽ làm thay đổi căn bản công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính kể từ 01/01/2022 trở đi sau khi áp dụng ấn chỉ điện tử toàn bộ.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền của Tổng cục thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đột phá, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. 

Kiên quyết làm trong sạch bộ máy

Theo người đứng đầu Tổng cục QLTT, dù đã đạt những kết quả nhất định, song kết quả này chưa tương xứng với sự kỳ vọng của Chính phủ, của Bộ Công Thương, ngành Công Thương, doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian vừa qua, tại Tổng cục QLTT đã xảy việc một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Ông Diên cho rằng những sai phạm xảy ra vừa qua phải được nhìn nhận đúng, mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc khi sự việc lại xảy ra với ngành mình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận, không nhận ra cái sai, không kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thì hậu quả nặng nề hơn, khắc phục khó khăn hơn.

"Chúng ta phải xây dựng được lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương", ông Diên nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, với các hành vi vi phạm của cán bộ công chức QLTT trong thời gian qua, cần phải kiên quyết làm trong sạch bộ máy, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng QLTT.

"Người đứng đầu Tổng cục, Cục QLTT các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm gương cho cán bộ, công chức QLTT cấp dưới", ông An nói.

Tiếp tục xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhằm tiếp tục xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại, Tổng cục QLTT phải thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng , Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn ngành với việc thực hiện thật tốt các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, cần phát huy các kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế để làm tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. 

Thứ ba, giao lãnh đạo Tổng cục QLTT thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất việc ban hành các quy chế, quy định, quy trình mới về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ thật nghiêm túc, phù hợp các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc kiểm tra, giám sát công tác, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc làm việc của toàn ngành.

Thứ tư, các Vụ, Cục nghiệp vụ của Tổng cục, nhất là các cục QLTT ở các tỉnh, thành phố khẩn tương rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực thi nhiệm vụ của đơn vị; chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình trên từng địa bàn để có phương án, kế hoạch cụ thể, phân công phù hợp...

Thứ năm, toàn ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; Cụ thể, làm tốt công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. 

Và cuỗi cùng, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ngành về về công tác quản lý sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo phân công của Bộ trưởng, của Tổng cục và quy định của pháp luật. 

Trước những yêu cầu mới của năm 2021 và giai đoạn tới, ông Linh cho biết lực lượng QLTT luôn tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ quản lý thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới.

Lực lượng QLTT được thành lập từ 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa.

Từ năm 1995 đến nay, lực lượng QLTT được tổ chức và kiện toàn lại trở thành một lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và thị trường trong nước.

Đến năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 27 sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của QLTT, trong đó, giao thêm cho lực lượng chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại, mở rộng phạm vi kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các hoạt động công nghiệp, tổ chức tuyên truyền pháp luật, thương mại cho các cá nhân kinh doanh trên thị trường. Hệ thống tổ chức QLTT được chia làm 3 cấp, không theo mô hình ngành dọc.

Tháng 8/2018 Thủ tướng ban hành Quyết định 34/2018 thành lập Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Sau 3 năm hoạt động theo mô hình mới, lực lượng QLTT cả nước đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đóng góp vào thành tích chung của cả ngành Công Thương.

Hòa Bình - Lưu Quyên
Bình luận
vtcnews.vn