Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giảm giá vé tại trạm thu phí BOT đóng ở Km1747 Quốc lộ 14 (BOT Quang Đức - đoạn qua thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) do Công ty Cổ phần BOT Quang Đức làm chủ đầu tư với mức giảm từ 6%-14%.
"Chúng tôi làm gì sai mà sợ dư luận!"
Theo đó, đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ giảm từ 35.000 đồng còn 30.000 đồng.
Xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giảm từ 50.000 đồng còn 45.000 đồng.
Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm từ 75.000 đồng còn 65.000 đồng.
Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet giảm từ 120.000 đồng còn 110.000 đồng.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet giảm từ 180.000 đồng còn 170.000 đồng.
Dự kiến, mức phí giảm bắt đầu áp dụng từ tháng 11/2017.
Đối với 2 trạm thu phí BOT là T1 và T2 trên Quốc lộ 91 đoạn qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang, từ ngày 1/11, phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng) được giảm giá vé từ 35.000 đồng/xe/lượt còn 30.000 đồng/xe/lượt.
Phương tiện loại 2 (xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) giảm từ 50.000 đồng/xe/lượt còn 45.000 đồng/xe/lượt.
Phương tiện loại 3 (xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) giảm từ 75.000 đồng/xe/lượt còn 65.000 đồng/xe/lượt.
Phương tiện loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/xe/lượt còn 110.000 đồng/xe/lượt.
Phương tiện loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/xe/lượt còn 170.000 đồng/xe/lượt…
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Quang Đức, việc giảm phí là chủ trương chung của bộ, chứ doanh nghiệp không muốn. "Chúng tôi làm gì sai mà sợ dư luận! Chúng tôi muốn bỏ dự án đường tránh, nếu làm thì đấu nối đường tránh trước trạm để khỏi ảnh hưởng đến BOT. Đầu tư BOT giờ là mệt mỏi lắm. Mua lại được thì chúng tôi bán luôn, tháo trạm" - vị này nói.
Đội giá thành sản phẩm
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho biết các đơn vị chủ đầu tư trên 2 quốc lộ 14 và 19 chỉ đồng ý miễn, giảm phí đối với người dân, doanh nghiệp cách vị trí trạm trong vòng 5 km.
Tuy nhiên, việc miễn hoặc mức giảm như thế nào thì phải chờ Bộ GTVT quyết định. Việc miễm, giảm cho người dân, doanh nghiệp trong phạm vi này cũng không kéo dài thời gian thu phí của các dự án. Riêng với các phương tiện khác, những đơn vị chủ đầu tư không đồng ý giảm phí vì cho rằng không có lãi.
Ông Phạm Minh Việt, Giám đốc Công ty BOT và BT Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai), cho rằng với lưu lượng xe qua trạm thấp hơn so với kế hoạch trong khi mức đầu tư cao nên đơn vị này… vẫn đang chịu lỗ (?). "Bộ GTVT đang tính toán xem trạm nào có phương án tài chính tốt, trạm nào có lưu lượng xe tốt thì giảm theo phương án tài chính của họ" - ông Việt nói.
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị như trên. Riêng đối với dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 19, do Công ty TNHH-BOT 36.71 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ dự án qua Gia Lai chỉ dài 23/169,5 km và đoạn đường từ Km 90-Km 108, đoạn qua huyện Đắk Pơ chưa được đầu tư đồng bộ với quy mô của dự án BOT nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Do đó, việc thu phí của nhà đầu tư hiện chưa phù hợp với mức hưởng lợi của người dân trong vùng.
Còn theo ông Lê Trung Tín, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Kon Tum, việc đặt quá nhiều trạm thu phí khiến giá thành các sản phẩm khi vận chuyển về tới địa phương bị đội lên rất nhiều. "Một xe đầu kéo chở phân bón từ Đồng Nai về Kon Tum mất khoảng 6 triệu đồng tiền phí; thêm các khoản xăng dầu, tài xế, chi phí phát sinh thì một chuyến xe có chi phí trên 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ được tính vào giá thành bán ra của sản phẩm nên chịu thiệt là người dân" - ông Tín phân tích.
Dời BOT Quang Đức để đón phí?
Dự án BOT Quang Đức có điểm đầu Km 1738 + 148, điểm cuối tại Km 1763 + 610, hiện đặt ở Km 1747. Trong khi đó, tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài khoảng 30 km, tổng vốn đầu tư gần 575 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có điểm đầu tại Km 1728 + 200, điểm cuối tại Km 1757 + 800 theo lý trình đường Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, khi dự án tuyến tránh hoàn thành thì cơ bản toàn bộ lưu lượng xe sẽ đi theo tuyến tránh không phải mất phí dẫn đến BOT Quang Đức sẽ phá vỡ toàn bộ phương án tài chính, không thể hoàn vốn. Từ đó, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đắk Lắk đang đàm phán dời BOT Quang Đức đến Km 1758 + 085.
Ông Nguyễn Văn Th. (chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Gia Lai - TP.HCM) cho rằng các phương tiện đi trên đường tránh dài 30 km do ngân sách nhà nước đầu tư và chỉ qua 5 km đầu tư bằng BOT nhưng phải trả mức phí cao như hiện nay là không hợp lý.
"Nếu dời trạm để đón phí phải phân loại xe nào đi hoàn toàn bằng đường BOT thì giá phí như hiện nay, còn xe nào đi trên đường tránh và 5 km đường BOT thì giá phải hạ tương xứng" - ông Th. kiến nghị.
Video: BOT Biên Hòa giảm 20% phí, dân vẫn yêu cầu di dời trạm
Bình luận