• Zalo

Tổng chủ biên Lịch sử VN: Chúng ta muốn cả thế giới biết về cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc

Giáo dụcThứ Hai, 21/08/2017 06:51:00 +07:00Google News

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1, chiến tranh biên giới phía Bắc được gọi đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược, nói về điều này Tổng chủ biên cuốn sách khẳng định "chúng ta muốn cả thế giới biết về cuộc chiến tranh này".

Video: Tổng chủ biên cuốn sách Lịch sử VN khẳng định "chúng ta muốn cả thế giới biết về cuộc chiến tranh này"

Trả lời VTC News, PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ biên bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần một, khẳng định, "những người Việt Nam đương nhiên cần biết về sử Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần và muốn thế giới biết về sử của chúng ta. Chúng ta muốn cả thế giới biết và hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc".

Ông cũng cho rằng, lẽ ra phải đưa cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa (SGK) kĩ hơn, sớm hơn để giới trẻ hiểu được động cơ xâm lược của Trung Quốc với lãnh thổ Việt Nam và cảnh giác trước nguy cơ xảy ra xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

20987699_901030303384373_284291505_n

PGS.TS Trần Đức Cường trả lời phỏng vấn PV VTC News. (Ảnh: Kim Thược)

- Thưa PGS., có ý kiến cho rằng, lâu nay chúng ta viết lịch sử theo định hướng, không thực sự phản ánh hết được sự thật nên còn rất nhiều khoảng trống trong lịch sử Việt Nam. Bộ sử Việt Nam tái bản lần một này có lấp đầy được những khoảng trống đó hay không?

Bộ sử này in lần đầu cách đây vài năm. Vào thời điểm ấy viết như vậy là đã tương đối cập nhật với những kết quả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của các Nhà sử học của Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam. Thời gian bổ sung và sửa chữa cho việc tái bản  không nhiều nên cũng chưa có thể nói là đáp ứng được hết các yêu cầu của độc giả.

Tuy nhiên, đã là sử là phản ánh phải trung thực nhất, tiếp cận sự thật nhiều nhất để có thể mang tới cho độc giả những nội dung cơ bản nhất trong từng lịch sử. Cho đến nay, chúng tôi tạm bằng lòng với những kết quả mà mình đã làm được trong tập sử này.

- Trước đó, lịch sử hiện đại Việt Nam có nhiều “vùng cấm” nên khó để tìm được đầy đủ trong SGK. Vậy ông đặt kỳ vọng gì vào sự đổi mới của cuốn sử tái bản lần một?

Trước đây, có những nội dung chưa được đề cập đến hoặc đề cập sơ sài như cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta. Trong bộ sách này, nội dung về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã được trình bày kĩ hơn. 

Ngoài ra, một vấn đề ở trong bộ sử này chúng tôi viết tương đối kỹ ví dụ vấn đề cải cách ruộng đất. Những thành tựu thì chúng ta thấy rõ về cơ bản đem lại ruộng đất đã đưa lại cho người nông dân và xóa bỏ địa chủ về mặt giai cấp. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều sai lầm, khuyết điểm mà Đảng và Nhà nước đã có những việc sửa sai. Nhưng phải nói là những ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn kéo dài trong một thời gian nữa.

20986143_901031923384211_2005151346_n

Cuốn sách Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1 do PGS.TS Trần Đức Cường chủ biên. (Ảnh: Kim Thược)

Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung mà chúng tôi chưa có điều kiện bổ sung vì tư liệu còn rất hạn chế. Ví dụ như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ là năm 1979 mà nó còn kéo dài đến tận năm 1989. Sắp tới đây khi có điều kiện, những vấn đề này sẽ được đề cập kĩ hơn.

Ngoài ra, những vấn đề mà chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện trong bộ sử này ví dụ như vấn đề chỉnh Đảng, nhân văn giai phẩm... Hy vọng những công trình tiếp theo sẽ bổ sung được nhưng thiết sót. Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng được viết đi viết lại rất nhiều lần và trải qua một quá trình lâu dài.

 
Cả thế giới cần biết và hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Đức Cường

- Không có nhiều người trẻ biết đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam giai đoạn 1979 - 1989. Phải chăng, đã đến lúc lịch sử cần có có những tư liệu chính xác và rõ ràng để thế hệ sau ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với máu xương của cha ông, thưa PGS?

Vấn đề này cũng là điều đau đáu với các Nhà sử học nói chung và các tác giả viết bộ sách này nói riêng. Phải khẳng định rằng đây là cuộc chiến đấu rất quyết liệt nhưng trong một thời gian tương đối dài đã không được đề cập đến một cách đầy đủ. Thậm chí, có thể nói rằng còn quá cách sơ lược.

Rõ ràng là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30km, 50km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?

Chúng tôi nhiều lần đề xuất phải đưa nội dung về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 - 1989 vào giảng dạy trong nhà trường, để tuổi trẻ biết và hiểu về cuộc chiến tranh này, về động cơ xâm lược của Trung Quốc và hiểu được những nguy cơ có thể xảy ra xâm phạm vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Bên cạnh đó, họ không quên những hy sinh hết sức to lớn của thế hệ cha anh thời bấy giờ.

Trước đây, thông tin về cuộc chiến tranh này còn rất sơ sài. Trong sách giáo khoa chỉ có khoảng mười mấy dòng. Thế nhưng, trong bộ sử của chúng tôi, nội dung về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam tương đối dày dặn.

Nội dung đề cập việc Trung Quốc xua sáu trăm ngàn quân cùng với số lượng lớn pháo, xe tăng và các loại vũ khí khác đánh sâu vào biên giới phía Bắc nước ta, tấn công vào các bản làng, thị xã, thị trấn của  đất nước chúng ta. Là người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ cần phải biết những điều ấy. Thế giới cũng cần phải biết về cuộc chiến tranh này và hiểu rõ ràng hơn về nó.

03869601

 Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. (Ảnh: Đào Văn Sử)

- Việc đưa thông tin cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta vào sách giáo khoa lịch sử, ông có trao đổi với Bộ GD-ĐT và Tổng chủ biên chương trình SGK mới để cố vấn đưa các thông tin mới này vào hay không?

Cá nhân tôi thì không có điều kiện để tham gia vào các cuộc thảo luận này. Thế nhưng, tôi nghĩ một số Nhà sử học tham gia soạn chương trình SGK chắc chắn họ có tham gia ý kiến bổ sung vấn đề này, bởi đây là nhu cầu của xã hội không thể nào bỏ qua được.

 
Rõ ràng là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30km, 50km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?

PGS.TS Trần Đức Cường

Thực ra, đưa ở thời điểm này là cũng muộn rồi. Đáng lẽ phải đưa cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa kĩ hơn, sớm hơn. Phải làm rõ để thế hệ trẻ biết được những hành động chiến tranh của Trung Quốc đối với đất nước chúng ta vào những thời gian như vậy. Đây là cuộc chiến đấu hết sức kiên cường, những người liệt sĩ ấy phải được tôn vinh xứng đáng với những đóng góp to lớn của họ cho độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của quan điểm của các học giả nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam?

Trên thế giới có một lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy gọi là Việt Nam học. Việt Nam học đã rất phát triển ở một số nước trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Hàn Quốc... Nhiều nhà sử học ở các nước này có quan hệ rất gần gũi với các nhà Sử học Việt Nam và chúng tôi có những trao đổi thường xuyên.

Chúng ta, những người Việt Nam đương nhiên cần biết về sử Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần và muốn thế giới biết về sử của chúng ta để họ có thể hiểu rõ về con người cũng như quá khứ của chúng ta. Ví như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bộ sử tái bản lần 1 đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt... Trung Quốc cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước ta 30km, 50km đánh phá. Đây không phải xâm lược thì gọi là gì?

Chúng ta hiểu điều đó và chúng ta muốn cả thế giới cũng biết và hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh này.

- Xin cảm ơn ông!

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn