Ngày 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2.000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn.
Bộ Lịch sử Việt Nam này có nhiều điểm mới như chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Namtrong chiến tranh biên giới phía Bắc; nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước,…
Trả lời VTC News, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội và hiện là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nói:
Tôi đồng tình với việc trình bày lịch sử đúng như sự thực đã diễn ra trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại.
- Bộ sách Lịch sử Việt Nam đã có cách tiếp cận đổi mới như nêu trên thì liệu SGK Lịch sử phổ thông có thay đổi không, thưa ông?
Sách giáo khoa phổ thông có nhiệm vụ trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản, phổ thông và hiện đại, do đó, phải cập nhật những thông tin khoa học mới được giới nghiên cứu khẳng định.
Bộ Lịch sử Việt Nam là kết quả nghiên cứu mới của Viện Sử học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cơ quan khoa học có thẩm quyền về các vấn đề lịch sử. Sách giáo khoa Lịch sử phổ thông sẽ phải thể hiện kết quả nghiên cứu này.
- Với tư cách Tổng chủ biên chương trình – SGK phổ thông mới, theo ông, những nội dung đổi mới nêu trên sẽ được đưa như thế nào trong SGK mới, thưa ông?
Tôi là người phụ trách xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng không phụ trách việc biên soạn SGK, bởi vì, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, SGK do nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn.
Nhưng với cương vị là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, tôi có trách nhiệm thảo luận với Ban soạn thảo chương trình môn Lịch sử và trưng cầu ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu giáo dục lịch sử để tiếp thu kết quả nghiên cứu mới của giới sử học.
Video: Chúng ta muốn cả thế giới biết về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược
Chương trình môn Lịch sử cũng sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân trước khi được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình xem xét.
Về quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với việc trình bày lịch sử đúng như sự thực đã diễn ra trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại.
Việc Trung Quốc xâm lược nước ta và quân dân ta đã một lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược là sự thật cần phải ghi lại trong SGK Lịch sử.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Ví dụ, việc Trung Quốc xâm lược nước ta và quân dân ta đã một lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược là sự thật cần phải ghi lại trong SGK Lịch sử.
Chúng ta cần phải dạy cho học sinh biết những sự thật như vậy.
- Vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị lùi thời gian ban hành chương trình SGK mới không thực hiện từ năm học 2018-2019. Như vậy có nghĩa là nếu có đưa sự thật lịch sử như trên vào SGK Lịch sử thì cũng phải sau năm 2019 mới có, thưa ông?
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, đầu năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình, SGK mới.
Hiện nay, bộ phận làm chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn làm việc với tinh thần ấy.
Chúng tôi chưa nhận được chỉ thị nào khác từ Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, SGK phổ thông của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội và với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cả Ủy ban của Quốc hội và Phó Thủ tướng đều đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc ý kiến của các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân, lùi thời hạn triển khai chương trình một năm để có điều kiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chu đáo hơn.
Trong trường hợp thống nhất với các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội mới là cấp có thẩm quyền quyết định về thời điểm triển khai chương trình, SGK mới.
- Có nên đợi chương trình, SGK mới ra đời thì mới dạy những sự thật lịch sử nêu trên không, thưa ông?
Tôi nghĩ là Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo để điều chỉnh sớm hơn, không nhất thiết phải chờ triển khai chương trình mới. Để thực hiện, không cần sửa chương trình mà chỉ cần bổ sung tài liệu dạy học.
Sửa SGK ngay trong năm học này thì không kịp; nhưng có thể xuất bản tài liệu bổ sung SGK và hướng dẫn giáo viên thực hiện.
Trong lịch sử giáo dục nước ta cũng đã có một số trường hợp bổ sung kiến thức như vậy. Ví dụ, năm tôi lên lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), chúng tôi đã chép tay bài thơ “Lên miền Tây” của anh Bùi Minh Quốc để học. Lúc đó, bài thơ mới được sáng tác và anh Bùi Minh Quốc cũng chưa phải một nhà thơ nổi tiếng.
Nhưng năm đó có chỉ thị của Bộ là dạy bài thơ ấy; thế là bài thơ được học sinh chép tay. Chúng tôi đã học rất hào hứng, đến mức, tới bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn thuộc lòng bài thơ.
- Ngay trong năm học mới này liệu có kịp cho tài liệu bổ sung không thưa ông?
Tôi nghĩ rằng ngay đầu năm học thì không kịp, nhưng trong năm học thì kịp. Kiến thức thì bộ Lịch sử Việt nam đã cung cấp rồi.
Vấn đề chỉ là thể hiện nó ở các lớp, các môn học có liên quan, trước hết là môn Lịch sử như thế nào thôi.
- Sách giáo khoa cũ chỉ có 11 dòng nói về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Vậy theo quan điểm của ông, những tài liệu điều chỉnh, bổ sung và SGK mới cần phải nhắc đến những sự kiện này như thế nào?
Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc không chỉ diễn ra ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 mà còn diễn ra ở Hoàng Sa, Trường Sa và còn kéo dài đến tận năm 1988.
Đây là những sự kiện của lịch sử hiện đại nên càng cần được trình bày kỹ để trang bị cho cho học sinh thông tin đầy đủ, nhận thức đúng đắn và bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em.
- Việc bộ sách Lịch sử Việt Nam đã không còn gọi chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hoà là nguỵ quyền, nguỵ quân có ý nghĩa gì, thưa ông?
Cách gọi đó có thể có tác dụng trong cuộc đấu tranh giữa hai chế độ trước đây.
Nhưng từ hơn 40 năm nay, non sông đã thu về một mối, ta nên gọi chế độ đã tồn tại ở nửa nước bằng đúng tên gọi của nó trong lịch sử. Chuyện gọi tên không thể hiện cách đánh giá về bản chất, vai trò của một chế độ; mà chỉ thể hiện thái độ khách quan đối với lịch sử thôi.
Video: Chiến tranh biên giới 1979: Một phần không thể quên của lịch sử
- Có ý kiến cho rằng chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có những người lính Việt Nam Cộng hoà đã chết vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước. Vậy chúng ta cần phải đề cập như thế nào trong tài liệu bổ sung và SGK Lịch sử mới, thưa ông?
Từ trước đến nay, người dân đều đánh giá cao và lịch sử đều ghi nhận công lao của những người dũng cảm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược, không phân biệt họ là người lính của triều đại nào.
Ví dụ, nhà Trần soán ngôi nhà Lý, giết hại hoàng tộc và quần thần nhà Lý, nhưng sử sách triều Trần và các đời sau vẫn ca ngợi chiến công phá quân Tống của nhà lý và tôn vinh vị tổng chỉ huy quân đội triều Lý là Lý Thường Kiệt.
Tôi nghĩ rằng cách ứng xử của tiền nhân là bài học sâu sắc cho chúng ta. Những người đã hi sinh vì Tổ quốc, đấu tranh bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên thì đều phải được ghi nhận, bất kể họ ở triều đại nào, chế độ nào.
- Những cán bộ, chiến sĩ của ta đã chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược cần được tôn vinh như thế nào, thưa ông?
Vừa qua, phần mộ của các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam đã được tôn tạo lại khang trang hơn.
Những câu chuyện về các liệt sĩ và chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh biên giới cũng được nhắc đến nhiều trên báo chí, trong các dịp gặp mặt, các buổi lễ trọng thể của Nhà nước.
Tôi cho rằng đó là những việc làm đúng đắn và cần thiết.
Nếu trước đây chúng ta làm những việc này chưa đủ thì cần phải làm cho đủ, cho đúng ý nghĩa, tầm vóc của các cuộc chiến tranh vệ quốc ấy.
Đó cũng là cách để hun đúc tinh thần yêu nước cho người dân và cho thế hệ trẻ Việt Nam.
- Và cách tôn vinh gần gũi nhưng lớn lao hơn cả là nhắc tới họ và những chiến công của họ trong những cuốn SGK Lịch sử để các thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm trân trọng, thưa ông?
Tôi cho rằng, sắp tới, những chiến công, những câu chuyện về chiến sĩ, đồng bào đã tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cần được đưa với dung lượng nhiều hơn vào các tài liệu bổ sung hay SGK để cho thế hệ trẻ được biết.
Những sự kiện và nhân vật trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như những tác phẩm viết về những sự kiện và nhân vật đó không chỉ nên đưa vào SGK Lịch sử, mà còn cần được đưa vào SGK và tài liệu dạy học các môn học khác, trong đó có các môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh,...
Xin cảm ơn ông!
Bình luận