Tôm là thực phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất dồi dào và mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy tôm là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được tôm. Dưới đây là thành phần dinh dưỡng của tôm và những người nên hạn chế ăn tôm.
Thành phần dinh dưỡng của tôm
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, trong một khẩu phần tôm nấu chín (85g) chứa 84 calo. Tôm tự nhiên chứa rất ít carbohydrate, với dưới 1 gam mỗi khẩu phần. Vì tôm không phải là thực phẩm có nguồn gốc thực vật nên không chứa chất xơ.
Tuy nhiên, cách chế biến và chuẩn bị sẽ ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của tôm. Ví dụ, tôm được nấu chín tẩm bột mì và vụn bánh mì sẽ có hàm lượng carbohydrate và calo cao hơn so với món tôm hấp.
Tôm chứa ít hơn 1 gam chất béo trong mỗi khẩu phần, tuy nhiên chúng gần như không có chất béo bão hòa liên quan đến bệnh tim mạch. Hầu hết chất béo trong tôm đến từ axit béo omega-3 có lợi và chất béo không bão hòa đa. Tuy nhiên, chiên tôm trong bơ hoặc dầu sẽ làm tăng hàm lượng chất béo tổng thể của món ăn.
Tôm chứa tất cả các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể. Đó là cách lành mạnh cho tim để tăng lượng protein mà không cần nạp thêm chất béo bão hòa. Cơ thể sẽ nhận được 20g protein nạc trong khẩu phần tôm 85g.
Ngoài ra, tôm cũng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó đặc biệt là hàm lượng vitamin B12 dồi dào. Bên cạnh đó, tôm cũng là một nguồn phốt pho, choline, canxi, sắt, magie, kali, kẽm và selen tốt.
Những người không nên ăn tôm
Báo VnExpress dẫn lời Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết sản phụ vừa sinh con nên hạn chế ăn tôm vì có thể bị khó tiêu hoặc hình thành sẹo lồi. Trẻ em không được ăn vỏ tôm do dễ bị hóc hoặc tổn thương cổ họng.
Người đang bị ho, dị ứng, đau mắt đỏ, hen suyễn cũng hạn chế ăn tôm.
Ngoài ra, không nên chế biến kết hợp tôm với các loại rau, củ, quả nhiều vitamin C. Lý do là khi vitamin C gặp các độc tố có sẵn trong tôm sẽ phát tán độc tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Bình luận