Kết quả điều tra béo phì trẻ em mới nhất được TS Bùi Thị Nhung, Trường khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố tại hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em diễn ra tại Hà Nội.
50% bị rối loạn mỡ máu
TS Nhung cho biết, tình trạng béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng nhanh chóng mặt, đặc biệt tại các thành phố lớn. Trong vòng 20 năm, béo phì tại Hà Nội và TP.HCM đã tăng lần lượt thêm 30-40%.
Cụ thể, giai đoạn 1996, tỉ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Hà Nội và TP HCM đều ở mức 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này khoảng 27%.
Đến giai đoạn 2014-2015, con số này tại nội thành TP.HCM tăng lên trên 50%, nội thành Hà Nội tăng lên 41%, trong khi mục tiêu chung trong chiến lược dinh dưỡng của VN đến 2020 là giảm tỉ lệ béo phì ở trẻ em xuống dưới 10%.
Hậu quả của trẻ em thừa cân béo phì là nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường tuýp 2 do không dung nạp được glucose, tim mạch, tăng huyết áp… Xét nghiệm trong 500 trẻ béo phì cho thấy, tỉ lệ rối loạn mỡ máu lên tới 35-50%.
Ngoài ra theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng VN, béo phì cũng là căn nguyên gây chứng ngưng thở khi ngủ, đau đầu giả u não cơ học, thoái hoá mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ...
Dù vậy, theo điều tra tại Hà Nội, có tới 53% bậc phụ huynh không biết con mình thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn 1 mức so với thực tế.
Kết quả điều tra 600 trẻ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu chỉ ra chỉ có 2% trẻ bị thiếu cân, nhưng có tới 46% các bà mẹ cho rằng con vẫn còi, khi con thừa cân, cha mẹ vẫn đánh giá con bình thường.
Hay khi điều tra bữa ăn học đường, phụ huynh luôn nói con lười ăn nhưng khi so chiều cao với cân nặng thì thực tế trẻ đã thừa tới vài kg.
Béo phì vẫn thiếu chất
TS Từ Ngữ phân tích, nguyên nhân chính khiến béo phì trẻ em tăng phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ (chiếm 90%) và trẻ lười vận động. Trẻ hiện ăn quá nhiều thức ăn nhanh, khẩu phần ăn ở trường thừa protein, thiếu chất xơ và vi chất..
Nhóm nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, khẩu phần ăn lý tưởng của học sinh là đảm bảo 3 bữa chính, 1-2 bữa phụ. Trong đó bữa sáng chiếm 25-30%, bữa trưa 30-40%, xế chiều 5-10%, bữa tối 25-30%.
Tuy nhiên kết quả điều tra mới nhất tại TP.HCM cho thấy, tỉ lệ bữa chiều chiếm đến 34-38%, điều này làm tăng quá trình tích mỡ, dẫn đến thừa cân, béo phì.
Lượng protein tiêu thụ trong các bữa ăn đang vượt quá khuyến cáo, nhóm 6-15 tuổi cao hơn từ 15-30%, riêng nhóm 16-18 tuổi ở nam cao hơn 53%, và 33% với nữ.
Trong khi đó, khẩu phần ăn của trẻ chứa rất ít chất xơ, chỉ đạt dưới 50% khuyến nghị và lượng vitamin, vi chất chỉ đạt từ 52-91% nhu cầu.
BS Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Dinh dưỡng cảnh báo thêm, nhiều gia đình đang cho con uống quá nhiều nước ngọt, đồ uống có gas. Khảo sát tại Hải Phòng cho thấy nhiều trẻ uống 1-3 lon/ngày, khiến nguy cơ thừa cân béo phì tăng thêm từ 2-6 lần.
Mức khuyến cáo phù hợp là chỉ nên uống 1-2 lon/tuần do trong nước ngọt có gas chứa nhiều đường đơn. Chỉ cần tiêu thụ nhiều hơn 5% tổng năng lượng trong ngày thì đã có thể gây rối loạn chuyển hoá, rối loạn chất béo dẫn đến béo phì.
Về thực tế điều trị béo phì trẻ em, TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Trung ương thừa nhận rất khó khăn vì cha mẹ không nghĩ béo phì là bệnh.
Video: Rùng mình cảnh bác sĩ châm lửa đốt mỡ bụng người béo phì
“Chúng ta cần xác định béo phì là bệnh, có bệnh thì phải chữa. Vì không nghĩ béo phì là bệnh nên người ta chỉ đề cập đến phòng ngừa thừa cân béo phì mà không nói việc điều trị bệnh béo phì”, TS Thục nói.
Để phòng chống bé phì, cách hiệu quả nhất là khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, trung bình cần 60 phút/ngày. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.
Bé dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ mỗi ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Bên cạnh đó, trẻ cần ngủ đủ, giai đoạn 0-5 tuổi bé ngủ đủ 11 giờ mỗi ngày; 5-10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày; trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ một ngày.
Bình luận