Tôi rất mừng khi đọc tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hoán đổi ngày làm việc 29/4 để người lao động có thể nghỉ liền 5 ngày trong dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, và càng mừng khi sau đó Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông có phản hồi tán thành đề xuất này. Chắc rằng rất nhiều người như tôi, hy vọng cuối cùng phương án hoán đổi sẽ được phê duyệt.
Tôi đã click ngay vào ô “ủng hộ” trong phần thăm dò ý kiến của VTC News về vấn đề này. Là người làm công ăn lương, quanh năm làm việc với cường độ cao và áp lực lớn, tôi thực sự khát khao có được những kỳ nghỉ đủ dài để phục hồi sức lực, để có thể về quê thăm cha mẹ, hay làm những việc cần thời gian khác mà thường rất khó thực hiện trong 2 ngày cuối tuần ngắn ngủi.
Mỗi năm, ngoài Tết Nguyên đán, liệu có mấy dịp được nghỉ dài một cách đường đường chính chính như vậy, tại sao chúng ta phải bỏ lỡ cơ chứ?
Về lý thuyết, người lao động có thể xin nghỉ phép để giải quyết việc riêng hay đơn giản là nghỉ ngơi, tuy nhiên đơn xin nghỉ phép lâu quá 3 ngày không phải lúc nào cũng được duyệt. Các sếp có quyền từ chối, yêu cầu dời lịch nghỉ sang dịp khác khi có nhiều người làm đơn cùng lúc, hoặc khi công việc đang ở giai đoạn cao điểm, đòi hỏi cả công ty tập trung, nỗ lực tối đa.
Vì thực tế này mà nhiều năm, tôi không thể nghỉ hết số ngày phép của mình. Chỉ có những ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước là tôi đương nhiên được nghỉ, không cần làm đơn rồi hồi hộp chờ sếp xét duyệt.
Được nghỉ liên tiếp 5 ngày dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới là điều tôi và hàng triệu người lao động khác cầu còn không được, là “món quà bất ngờ từ trên trời rơi xuống”. Vì vậy tôi không thể hiểu tại sao lại có nhiều người lên tiếng phản đối; làm như vậy có phải là tước mất cơ hội nghỉ ngơi của người khác hay không?
Những người không ủng hộ nghỉ dài nói rằng họ không có tiền để đi du lịch, hoặc đứng ở vị trí các ông chủ, sợ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng người ta vất vả cả năm, phải cho nghỉ mới có thể tái tạo sức lao động, điều đó hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tổng số ngày lao động vẫn không hề giảm, vì đây chỉ là hoán đổi ngày làm việc chứ không phải nghỉ thêm.
Mặt khác, khi hoán đổi để nghỉ 5 ngày liên tiếp, sau đó người lao động phải làm bù nên chuỗi ngày làm việc liên tiếp cũng kéo dài, doanh nghiệp đâu có thiệt!
Với những người không muốn nghỉ dài vì không có tiền đi du lịch, họ có thể ở nhà. Đi du lịch đâu có phải là lựa chọn duy nhất khi được nghỉ làm! Bạn có thể về quê thăm bố mẹ, họ hàng, có thể ở lại thành phố đi xem phim, liên hoan tụ tập bạn bè, hay đơn giản là nằm dài ở nhà tận hưởng dịp nhàn rỗi hiếm hoi…
Trong khi đó, những người khác sẽ đi du lịch, mua sắm tiêu dùng, vừa đem lại niềm vui cho bản thân vừa kích cầu phát triển kinh tế.
Xã hội luôn đa dạng về công việc, về sở thích và nhu cầu, mỗi người có quyền sử dụng ngày nghỉ theo một kiểu riêng, miễn là có ngày nghỉ để bạn đưa ra lựa chọn cho nó.
Tôi chắc rằng nếu phương án hoán đổi ngày làm việc mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất không được phê duyệt, rất nhiều người sẽ thất vọng. Đó là những người đi làm ăn xa, vì nhiều lý do mà dịp Tết Nguyên đán vừa qua không thể về thăm gia đình, cha mẹ.
Đó là những phụ nữ phải cặm cụi nấu cỗ, rửa bát ở nhà bố mẹ chồng trọn dịp Tết, chỉ mong những dịp lễ khác được nghỉ dài để cùng gia đình nhỏ của mình đến một khu nghỉ dưỡng, tận hưởng cảm giác được chiều chuộng bản thân, cho phép cả cơ bắp lẫn trí não được thả lỏng.
Kỳ nghỉ 5 ngày dịp 30/4-1/5 tới với họ quý báu vô cùng. Hoán đổi ngày làm việc là một giải pháp tuyệt vời để đem lại cơ hội cho họ. Tôi cực kỳ mong đợi sẽ đón nhận tin vui giải pháp này được “chốt” trong vài ngày tới.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận